Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên có nên thực hiện kiểm định thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục?
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, mục 3 Chương VIII sửa đổi theo hướng không thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, thay bằng quy định về đánh giá chất lượng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (Điều 110, 111, 112); giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về đánh giá chất lượng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (Điều 111).
Theo Bộ GD&ĐT, sửa đổi như trên là phù hợp với thực tiễn, khả thi trong tổ chức thực hiện và nhất quán với định hướng đổi mới quản trị giáo dục của Đảng và Nhà nước. Cụ thể:
Thể chế hóa chủ trương đổi mới quản trị giáo dục theo hướng thực chất, hiệu quả: Nội dung sửa đổi bảo đảm triển khai thực hiện các định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 và Kết luận số 91-KL/TW năm 2024 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đó, công tác đánh giá chất lượng giáo dục cần bám sát mục tiêu “đảm bảo chất lượng thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình”, thay vì duy trì hình thức kiểm định máy móc, nặng về quy trình, thiếu tính khả thi trong điều kiện thực tiễn của bậc mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Giải quyết vướng mắc thực tiễn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý: Luật Giáo dục hiện hành quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên phải được kiểm định thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không thể triển khai được do: Không đủ tổ chức kiểm định và kiểm định viên: Trong khi cả nước có hơn 40.000 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, số lượng tổ chức kiểm định còn hạn chế, kiểm định viên chưa đáp ứng đủ cả về số lượng lẫn chuyên môn.
Thêm nữa, chi phí kiểm định lớn: Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên là công lập, không có quyền tự chủ tài chính, không đủ nguồn lực chi trả cho chi phí hợp đồng tổ chức kiểm định, đoàn đánh giá ngoài, tập huấn nghiệp vụ...
Sửa đổi đồng thời bảo đảm khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế các cấp học. Khác với giáo dục đại học - nơi các cơ sở có quyền tự chủ cao - các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên không đủ điều kiện tổ chức kiểm định độc lập thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Do đó, cần có mô hình đánh giá phù hợp, gọn nhẹ, hiệu quả, sát với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao chất lượng nội bộ thay vì hình thức đối phó với tiêu chuẩn ngoài.
Dự thảo (Điều 111 mới) giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; quy trình và chu kỳ đánh giá chất lượng; việc sử dụng kết quả đánh giá chất lượng của cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục; việc quản lý hoạt động đánh giá chất lượng; việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đánh giá chất lượng và việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy định về đánh giá chất lượng ở từng cấp học.
Bỏ nội dung giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT “quy định trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” tại điểm b khoản 2 Điều 112.