“Hiện vẫn chưa rõ về kết quả chuyến thăm. Câu hỏi được quan tâm là liệu chuyến thăm của ông Blinken có thể vạch ra con đường phía trước cho mối quan hệ quản lý cạnh tranh và duy trì các kênh liên lạc mở giữa Mỹ - Trung hay không?”, Ryan Hass nói.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra sau các cam kết gần đây, trong đó có cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Tần Cương và cuộc gặp giữa các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh. Vào tháng 5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp, có cuộc “đàm phán thẳng thắn” với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị tại Vienna (Áo).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Vương Nghị gặp nhau tại Bali, Indonesia vào tháng 7/2022. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối cuộc gặp giữa các quan chức quân sự Mỹ và Trung Quốc tại diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore vào tháng trước. Lý do được cho là Tổng thống Biden từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, vốn đã được áp đặt từ năm 2018.
Qinduo Xu, thành viên cấp cao tại Viện Pangoal, cho biết hai bên cũng có thể đang thăm dò khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden vào cuối năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2023 tại Mỹ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Blinken cũng có khả năng sẽ nêu ra các vấn đề như việc người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc và dòng fentanyl bất hợp pháp từ Trung Quốc tuồn sang Mỹ...
Về phần mình, Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao, cũng như số lượng ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc bị cấm kinh doanh với Mỹ hoặc bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen trừng phạt.
Ông Qinduo Xu cho biết Bắc Kinh và Washington cũng cáo buộc lẫn nhau về hành vi đối đầu ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như eo biển Đài Loan. Điều này làm gia tăng nguy cơ “cạnh tranh chiến lược” giữa Mỹ và Trung Quốc có thể biến thành xung đột.
Andy Mok, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, Mỹ và Trung Quốc sẽ phải làm việc cùng nhau song với mức độ tin cậy thấp. Ngoại trưởng Tần Cương liên tục yêu cầu Mỹ tôn trọng “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc” , đồng thời thúc giục Mỹ ngừng can thiệp vào lợi ích của Trung Quốc.
Chuyên gia Andy Mok nhận định, trong bối cảnh Mỹ vẫn thực thi chính sách cưỡng ép kinh tế cũng như có những hành động khiêu khích với Trung Quốc thời gian qua, không có nhiều kỳ vọng về việc cải thiện mối quan hệ song phương qua chuyến thăm của ông Blinken.