Theo giới phân tích, việc làm của Armenia chắc chắn là một đòn mạnh giáng vào Nga, bởi trong thời gian qua, quan hệ giữa Moscow với Yerevan đã không mấy êm đẹp, đặc biệt là từ sau khi Azerbaijan mở chiến dịch quân sự chiếm lại Nagorno-Karabakh (Artsakh) vào tháng 9 vừa qua.
Ngày 20/9, chính quyền Artsakh thân Armenia tuyên bố ngừng bắn, hạ vũ khí và chấp nhận đề xuất của Baku về việc đàm phán sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ Azerbaijan.
Đến ngày 28/09/2023, chính quyền Nagorno-Karabakh đã tuyên bố giải thể nước cộng hòa trước ngày 1/1/2024.
Sau đó, Azerbaijan và Armenia đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian và công tác bảo đảm an ninh cho đến ngày chính quyền Azerbaijan chính thức tiếp quản quyền quản lý khu vực Artsakh được duy trì nhờ lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.
Trong bối cảnh này, việc Armenia chuyển giao tên lửa đạn đạo Tochka-U thời Liên Xô cho Ukraine làm dấy lên một lo ngại là Yerevan có thể sẽ chuyển giao nhiều hệ thống vũ khí khác cho Kiev, thậm chí là cả các tổ hợp tên lửa đạn đạo thế hệ mới Iskander mà nước này đã mua của Nga.
Trong thập niên trước, Yerevan đặt mua 4 tổ hợp 9K720 Iskander cùng ít nhất 25 quả đạn với tầm bắn 280 km của Moscow, trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Nga sở hữu mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật này.
Một số xe bệ phóng đã xuất hiện trong cuộc duyệt binh tại thủ đô Yerevan hồi tháng 9/2016.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Armenia không thể chuyển giao các tổ hợp Iskander này cho Ukraine bởi nước này đặt mua từ Nga nên chắc chắn Moscow đã có những điều khoản quy định về việc bán lại hay trao tặng các tổ hợp này phải có sự chấp thuận của Nga.
Do đó, Yerevan có thể tiếp tục chuyển giao các vũ khí Liên Xô như hệ thống phòng không 9K33 Osa-AK cho Kiev, nhưng viễn cảnh một ngày nào đó các tổ hợp 9K720 Iskander sẽ “trở giáo” chống lại Nga là điều không thể xảy ra.