LNG đang gây sốt toàn cầu. Ảnh: Offshore Energy
Tại châu Âu, theo CNBC, trước cam kết từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, một loạt quốc gia ở châu lục này đã theo đuổi mạnh mẽ các dự án LNG, gây ra "cơn sốt" lớn tới mức tổng số dự án LNG được triển khai có thể vượt xa nhu cầu của các nước châu Âu trong những năm tới.
Tại Mỹ, theo tờ El Pais, sức hút của LNG, được ví như một "cơn sốt vàng" thời hiện đại, đang làm rung chuyển trung tâm năng lượng ở Port Arthur - một trong những vùng đất quan trọng của ngành năng lượng Mỹ.
Dòng người lao động mới kéo tới nơi đây đã làm cạn kiệt nhà ở có sẵn và những ngôi nhà tiền chế trở nên hút khách. Cho tới 10 năm trước, ngành công nghiệp LNG hầu như không tồn tại ở Mỹ nhưng giờ đây thứ khí đốt hóa lỏng này lại trở thành trụ cột cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế top đầu thế giới.
Còn tại châu Á, nhu cầu năng lượng tăng nhanh đang thúc đẩy các nước lựa chọn LNG. Mặc dù đang "gây sốt" ở châu Âu nhưng tương lai của LNG lại được dự đoán nằm ở châu Á. Xu hướng sử dụng LNG đang lan khắp châu lục này.
LNG hiện được xem là nhiên liệu hóa thạch "sạch nhất", bởi quá trình đốt cháy khí tự nhiên không thải ra muội than, bụi hoặc khói. Đáng nói, điện khí LNG sẽ ít gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện mặt trời hay điện gió.
Theo các chuyên gia, với thế mạnh là có thể được sử dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực, giá cả cạnh tranh và ít phát thải nhà kính, LNG tất yếu sẽ trở thành nguồn nhiên liệu dẫn đầu trong vai trò cân bằng hệ thống điện ở Việt Nam trong lộ trình chuyển dịch hoàn toàn sang năng lượng tái tạo.
Báo cáo " Đặt kỳ vọng thực tế vào các dự án nhiệt điện khí LNG Việt Nam " của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho biết, trong năm 2020, Việt Nam từng chứng kiện một "làn sóng" các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới lĩnh vực điện khí. Quy mô của các dự án được đề xuất, cũng như số lượng và sự đa dạng của các nhà đầu tư đã lên tới mức "chưa từng có tiền lệ trong ngành điện Việt Nam".
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia, việc nhập khẩu LNG còn mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam.
Ví dụ, thông qua các thỏa thuận thương mại, Việt Nam có thể mua LNG với giá cạnh tranh từ các nhà cung cấp trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần làm giảm chi phí năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Một số thành viên PV GAS và đồng nghiệp trong sự kiện lần đầu tiên tiếp nhận tàu LNG. Ảnh: Báo Thanh Tra
Chưa hết, con tàu chở gần 70.000 tấn LNG đầu tiên cập bến tượng trưng cho cơ hội phát triển quan hệ hợp tác và đối tác giữa Việt Nam với các quốc gia sản xuất LNG hàng đầu trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, năm 1969, Nhật Bản đã đón chuyến tàu LNG đầu tiên.
Kể từ đó, nước này đã phát triển ngành công nghiệp LNG của mình và đến nay đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới. Việc nhập khẩu LNG giúp Nhật Bản đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo cung cấp điện ổn định.
Ông Phong cho rằng, bài học từ Nhật Bản có thể truyền cảm hứng cho Việt Nam trong lộ trình phát triển năng lượng và đạt được tự chủ năng lượng.