Đồng quan điểm, TS Phạm Hiệp cũng cho rằng Việt Nam nên có bảng xếp hạng đại học từ lâu và duy trì nó nhiều năm.
"Tôi nghĩ cộng đồng nên cởi mở với bảng xếp hạng, đó chỉ là công cụ để bức tranh đại học Việt Nam đầy đủ hơn. Xu hướng xếp hạng đại học là điều tất yếu, sẽ có trường bất chấp, chạy theo xếp hạng như mục tiêu và dẫn đến lệch lạc, nhưng chúng ta phải sống chung với nó", ông Hiệp nói.
Chính vì vậy, TS Hiệp khuyến cáo chỉ nên dùng bảng xếp hạng như một công cụ tham khảo, một phép thử để đánh giá trường học. Ngoài bảng xếp hạng, người dùng phải tự đưa ra các tiêu chí khác để đo lường và quyết định.
Chia sẻ về quan điểm "Việc chạy đua bảng xếp hạng là biểu hiện căn bệnh thành tích", TS Út cho rằng mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức đều cần thành tích để tồn tại và phát triển, đại học cũng vậy. Tuy nhiên, việc xếp hạng đại học phải thực chất, tương đương với chất lượng thực sự của đại học.
"Khái niệm 'căn bệnh thành tích' về xếp hạng mà cộng đồng hay nêu là nhằm phê phán việc chạy theo xếp hạng mà không quan tâm để sự phát triển thực chất, phát triển chiều sâu của đại học", TS Út nói.
Tương tự, TS Hiếu cũng cho rằng "cuộc chơi" nào cũng có 2 mặt, bảng xếp hạng cũng vậy. Có những trường tìm lỗ hổng để rút ngắn khoảng cách, hoặc xuất hiện các vấn đề tiêu cực như bảng xếp hạng của US News, nhưng nhìn chung, việc xuất hiện bảng xếp hạng là tín hiệu tốt, thước đo để đại học Việt Nam phát triển hơn.
TS Phạm Hiệp khuyến cáo chỉ nên dùng bảng xếp hạng như một công cụ tham khảo để đánh giá trường học. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo TS Lê Văn Út, để bảng xếp hạng bền vững cần duy trì sự chấp nhận từ đa số cộng đồng đại học và cộng đồng học thuật, đồng thời bảng xếp hạng cần có kinh phí để tồn tại và duy trì. Để làm được điều đó, TS Út lưu ý một số điều sau:
Thứ nhất, phương pháp đánh giá phải khoa học và rõ ràng, trong đó, các tiêu chí đánh giá phải phản ánh đầy đủ đẳng cấp của một đại học từ nghiên cứu cho đến giáo dục.
Thứ 2, cách thức thực hiện phải khách quan, làm sao để cộng đồng có thể kiểm chứng được cách làm của tổ chức xếp hạng.
Thứ 3, tăng sự uy tín của tổ chức/nhóm xếp hạng. Sẽ không thể có kết quả xếp hạng tốt nếu tổ chức xếp hạng kém uy tín, không có những chuyên gia am hiểu về giáo dục đại học và phân tích dữ liệu.
Thứ 4, giải pháp tồn tại và độc lập của các bảng xếp hạng. Nếu mục tiêu của tổ chức xếp hạng là thương mại thì rất khó có bảng xếp hạng khách quan. Tuy nhiên, thực tế là một tổ chức xếp hạng cũng cần có nguồn lực để tồn tại.
Do đó, thay vì tổ chức xếp hạng tìm cách kinh doanh từ việc xếp hạng thì họ có thể làm các hoạt động tư vấn (tư vấn để các đại học phát triển và từ đó tăng hạng) hay kêu gọi tài trợ hoặc thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu về xếp hạng đại học để có kinh phí bảo đảm sự tồn tại của họ.
Đồng quan điểm, TS Phạm Hiệp cho rằng để duy trì, VNUR hay bất cứ bảng xếp hạng nào phải đảm bảo được tính độc lập, không bị thương mại hóa.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện cũng cần có sự điều chỉnh, cải tiến kịp thời để bảng xếp hạng ngày càng phù hợp với cuộc sống, tăng độ uy tín.
Bên cạnh đó, xét về góc độ quản lý, ông Hiệp cho rằng Nhà nước cần tạo cơ chế quản lý các đơn vị xếp hạng đại học, bao gồm yêu cầu giải trình về phương pháp xếp hạng, quá trình lấy dữ liệu, công thức tính toán phải tường minh.
“Nhóm thực hiện không nhất thiết phải đưa các thông tin lên website bảng xếp hạng, tuy nhiên, cần có giải trình hợp lý với cơ quan quản lý, đặt ra trách nhiệm của nhà nước", TS Hiệp nói và cho rằng Nhà nước nên thực hiện bảng xếp hạng riêng, không nhất thiết xếp hạng theo thứ tự, mà có thể chấm theo số sao.
Vị tiến sĩ gợi ý VNUR có thể bổ sung thêm chỉ số đánh giá để tăng độ uy tín như lấy chỉ số từ Scopus (dữ liệu tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học), đánh giá thêm năng lực số hóa và mức độ lan tỏa như Webometrics, đưa chỉ số nguồn tư liệu online và việc áp dụng phần mềm đạo văn trong liêm chính khoa học...
Bổ sung thêm, TS Lê Đình Hiếu cho rằng VNUR nên cho phép các trường có quyền phản biện, bổ sung dữ liệu sau khi bảng xếp hạng được công bố, tạo kênh tương tác 2 chiều.