Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Ảnh: chinhphu.vn
Liên quan tới vấn đề đầu tư công, hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương. Đây là một số tiền không hề nhỏ. 30 tỷ USD đầu tư công này sẽ là "chìa khóa" giúp kinh tế Việt Nam bùng nổ, đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023.
Thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những "cơn gió ngược" mang tới nhiều rủi ro và nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, diễn biến của nền kinh tế Việt Nam có những điểm khác biệt, đạt được nhiều tiến bộ trong cải cách và đổi mới để ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Do vậy, các chuyên gia của OCED cũng tin tưởng rằng, GDP Việt Nam trong năm 2023 có thể đạt 6.5%.
"Tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá cao, dự báo năm 2023 tăng trưởng 6,5% và tăng lên 6,6% vào năm 2024, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế " - Phó Vụ trưởng, Tổ chức OECD Vincent Koen nhận định.
Với những dự đoán tăng trưởng tích cực, Việt Nam đang cho thấy triển vọng kinh tế tươi sáng ở Đông Nam Á.
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Việt Nam là câu chuyện đầu tư và kinh tế vĩ mô thú vị nhất trong năm 2023, được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt so với các nền kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu. Tạp chí này dự đoán, đến năm 2036 , Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á và xếp thứ 20 thế giới.
Cùng dự đoán tương tự, theo tờ Business Times (Singapore), Việt Nam có thể trở thành "con hổ mới của châu Á" với những lý do sau: Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Thứ hai là môi trường khích lệ khởi nghiệp.
Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo. Thứ tư là sự dồi dào của lực lượng lao động. Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản. Thứ sáu là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.
Tạp chí Forbes dự đoán, đến năm 2036 , Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam.
Trong khi đó, theo tờ The Star (Malaysia), Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.
Những lý do giúp Việt Nam trở thành điểm nóng công nghiệp tiếp theo của châu Á bao gồm: Lợi thế cạnh tranh về lao động rẻ, lành nghề, môi trường FDI cởi mở, chính sách mở rộng thương mại với nhiều nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chao đảo, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh rất tốt. Cổng thông tin điện tử chính phủ dẫn lời PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định: "Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước" .
Cũng theo PGS Khương, khả năng ứng đáp của Việt Nam rất nhạy bén, được các nhà đầu tư quốc tế khen ngợi.
"Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn háo hức muốn vào Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới" - PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.