Việt Nam thực hiện thành công ghép thận không cùng nhóm máu

T/h | 24/01/2022, 09:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM vừa thực hiện thành công ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho hàng nghìn bệnh nhân suy thận.

Ca ghép thận không cùng nhóm máu này được thực hiện trên một bệnh nhân chạy thận, suy thận mãn giai đoạn cuối có nhóm máu B, người cho thận là vợ có nhóm máu A.

Số liệu khảo sát mới nhất của Hội Lọc máu Việt Nam cho thấy, nước ta có khoảng 30.000 người bệnh suy thận cần lọc máu, chiếm 0,031% dân số.

Cả nước hiện có hơn 5.000 máy thận nhân tạo với hơn 400 đơn vị lọc máu. Với điều kiện trang thiết bị hiện có, hiện mới đáp ứng 30% nhu cầu điều trị lọc máu.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hằng năm có khoảng 250 - 300 bệnh nhân đăng ký ghép thận, nhưng chỉ ghép được khoảng 100 trường hợp vì các nguyên nhân sức khỏe, như không cùng nhóm máu, không đảm bảo miễn dịch... Trong đó, khoảng 10% bệnh nhân không thể ghép thận vì người hiến không cùng nhóm máu.

Mong muốn được hiến thận của một người vợ cho chồng nhưng lại khác nhóm máu đã trở thành nỗi suy tư của nhiều bác sĩ Bệnh viện.

Ông Thái Minh Sâm - trưởng khoa ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết hiện tại Việt Nam hầu như đã ghép tạng được cho tất cả các cơ quan.

Hiện cả nước có 20 trung tâm ghép thận, gần 5.000 trường hợp đã được ghép trong nhiều năm qua, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận cho gần 1.000 trường hợp.

Khó khăn lớn nhất trong ghép thận hiện nay là thiếu hụt nguồn ghép. Ghép thận không cùng nhóm máu đã phát triển rất mạnh trên thế giới, kỹ thuật này nếu không xử lý trước về huyết tương, kháng thể, bệnh nhân sẽ bị sốc phản vệ và sẽ tử vong nhanh.

ghep-than-khong-cung-nhom-mau.jpg
Việt Nam thực hiện thành công ghép thận không cùng nhóm máu

Để tiến hành ghép thận khác nhóm máu, nhiều năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các bác sĩ ra nước ngoài học tập, đồng thời phối hợp đơn vị lọc máu, trung tâm truyền máu, cùng với các trang thiết bị hiện đại của bệnh viện để xây dựng kế hoạch chi tiết.

"Khi phẫu thuật phải có quá trình xử lý rất kỹ càng, phải ngăn chặn sự tạo ra kháng thể để tránh bị thải ghép rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Trước đây, chỉ định này được thực hiện bằng cách cắt lách, hiện chỉ cần dùng thuốc Rituximab. Tiếp theo bệnh nhân phải trải qua việc loại bỏ kháng thể lưu hành trong máu ở mức tối đa bằng cách lọc huyết tương", PGS Minh Sâm cho biết.

Ông Lê Hoàng Oanh - giám đốc trung tâm truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thêm việc truyền máu đối với bệnh nhân ghép thận không cùng nhóm máu như vợ chồng ông Biết là rất khó khăn và phức tạp, do đó đòi hỏi chuẩn bị kỹ. 

Người chồng nhóm máu B, nhưng huyết tương lại chứa kháng thể chống kháng thể của người vợ nhóm máu A, nên phải chọn loại huyết tương phù hợp, an toàn để ca mổ thành công, cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. 

Trước khi mổ 2 tuần, vợ chồng bệnh nhân được nhập viện lọc huyết tương 3 lần. Đến ngày 29-12, ca mổ bắt đầu được tiến hành.

"Sau khi ca mổ kéo dài hàng giờ đồng hồ, quả thận mới được đặt vào cơ thể người bệnh, chúng tôi quan sát thấy thận hồng, căng và nước tiểu có ngay tại bàn mổ. Tất cả đều vui mừng, vì đây là biểu hiện đầu tiên cho thấy ca ghép đã thành công", PGS Minh Sâm chia sẻ. 

Ngày 1 sau mổ bệnh nhân đã có thể ăn uống, hiện đã xuất viện.

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho biết việc ghép thận không cùng nhóm máu đã trở thành tín hiệu rất mừng cho bệnh nhân chạy thận, hiện nay tỉ lệ bệnh nhân suy thận mãn có chỉ định ghép thận đang chờ rất nhiều. Khi kỹ thuật này được triển khai thường quy sẽ mở ra một hy vọng rất lớn cho trường hợp chạy thận.

Có thể kiểm soát tốt buôn bán thận

Theo PGS Minh Sâm, chi phí cho một ca ghép thận bình thường có bảo hiểm y tế khoảng 100 triệu đồng. Đối với ca ghép thận không cùng nhóm máu, nếu không có BHYT có thể lên gấp 3 lần ghép thận cùng nhóm máu, tuy nhiên nếu có BHYT chi phí không chênh lệch so với ca ghép cùng nhóm máu. 

Đối với sức khỏe của nhiều người cho thận, nếu kiểm tra sức khỏe kỹ, thực hiện đúng kỹ thuật hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cũng theo PGS Minh Sâm, việc ghép thận không cùng nhóm máu sẽ gia tăng cơ hội cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo, nguồn hiến thận sẽ dễ dàng hơn, người bệnh không cần vất vả tìm được nguồn thận phù hợp, giúp kiểm soát tốt tình trạng buôn bán thận.

Bài liên quan
Cảnh báo tình trạng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Hiện nay, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không đạt chuẩn là vấn nạn, mối họa khó lường, có nguy cơ “đầu độc” sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam thực hiện thành công ghép thận không cùng nhóm máu