Viết văn theo Chương trình GDPT 2018: Những thay đổi không thể bỏ qua

29/04/2024, 08:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đối với chương trình Ngữ văn 2018, việc dạy viết không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt cho từng kiểu bài cụ thể...

Điều này không những không giúp người học phát triển kỹ năng viết, mà còn triệt tiêu sự sáng tạo. Với cách dạy theo quy trình viết, khi đối diện với nhiệm vụ, tình huống giao tiếp cần viết, học sinh sẽ biết các thao tác cần làm ở từng bước và thuận lợi trong quá trình viết.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực

Khi tham dự các tiết dạy thực nghiệm phần viết cho sách giáo khoa, chúng tôi nhận ra, sẽ thuận lợi hơn cho giáo viên và học sinh nếu hướng dẫn trọn vẹn lý thuyết về quy trình viết trước khi thực hành. Bởi cách dạy này giúp học sinh có cái nhìn trọn vẹn, tổng quan, đầy đủ về các bước; từ đó khi thực hành các em có thể làm chính xác hơn, hiểu được mối tương quan của các bước trong quy trình viết.

Đối với sách giáo khoa Ngữ văn Chân trời sáng tạo, quy trình viết được biên soạn kỹ lưỡng, với các công cụ như bảng, sơ đồ,… để học sinh có thể tự học và làm theo. Thầy cô có thể thiết kế thêm phiếu học tập để hướng dẫn học trò đọc sách giáo khoa và rút ra thông tin chính, với hai nội dung cần phân loại và nhấn mạnh đó là thao tác thực hiện và những lưu ý đối với từng thao tác.

Do đặc thù dạy kỹ năng viết gắn với tình huống giao tiếp trong thực tế, nên dạy viết theo quy trình thường có những đề mở để học sinh lựa chọn nội dung, mục đích viết cho phù hợp với đối tượng. Do đó, thầy cô cần hướng dẫn học sinh kỹ năng động não, huy động ý tưởng cho bài viết. Thao tác này sẽ tăng cường sự sáng tạo, giúp các em có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng về đề tài bài viết.

Ta có thể sử dụng các kỹ thuật như sơ đồ tư duy, viết tự do (free writing), hoạt động động não bằng từ khoá, ghi nhanh lên giấy,… Có thể cho làm theo cá nhân, nhóm đôi, hoặc làm chung cả lớp. Điểm chung của các hoạt động này là huy động nhiều nhất có thể ý tưởng liên quan đến đề tài bài viết. Trên cơ sở các ý tưởng ấy, học sinh chọn lọc, nhấn mạnh vào những ý tưởng tốt nhất. Từ đó, bài viết sẽ có được sự đặc sắc, mang dấu ấn riêng.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: Đình Tuệ.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: Đình Tuệ.

Phương pháp làm mẫu quy trình viết

Làm mẫu luôn là phương pháp chủ chốt của dạy kỹ năng. Phương pháp làm mẫu quy trình viết cũng vậy. Tuy nhiên, thầy cô lưu ý, ta không chỉ làm mẫu ở khâu lập dàn ý hay viết, mà có thể làm mẫu bất kỳ thao tác nào nếu học sinh chưa nắm rõ; chẳng hạn như xác định đề tài, mục đích, không gian và thời gian nói; làm mẫu kỹ năng tìm tư liệu, đánh giá dựa vào bảng kiểm,… Phương pháp làm mẫu quy trình viết thường kết hợp với nói to suy nghĩ (think aloud) để tường minh hoá quá trình tư duy của giáo viên khi thực hiện quy trình viết, từ đó học sinh có thể bắt chước và học theo.

Trong thực tế, mỗi khi tạo lập văn bản, để ra được bản ưng ý nhất và công bố, chúng ta cần chỉnh sửa nhiều lần, đọc đi đọc lại và tự biên tập bài viết. Các bài viết của chúng ta thường phục vụ một mục đích nhất định, gắn với tình huống giao tiếp và độc giả cụ thể. Do vậy sau khi viết, ta thường công bố bài viết dưới nhiều hình thức khác nhau; để mọi người có thể đọc và giúp bài viết thực hiện mục đích giao tiếp của nó.

Chính vì vậy, khi dạy viết theo quy trình, giáo viên cũng cần lưu ý hướng dẫn học sinh chỉnh sửa, biên tập và công bố bài viết. Thầy cô có thể hướng dẫn học sinh chỉnh sửa, biên tập bài viết dựa vào công cụ là bảng kiểm và các câu hỏi có tính chất phản tư. Học sinh có thể tự đánh giá hoặc đánh giá đồng đẳng. Trong giờ dạy, có thể cho các em hoạt động theo nhóm đôi, trao đổi bài viết và đánh giá, nhận xét.

Việc công bố bài viết: Giáo viên có thể tạo những tình huống giả định như xuất bản một tờ báo; tạo trang web học tập của lớp hay đơn giản là sử dụng kỹ thuật phòng tranh để học sinh đăng bài. Sau khi công bố, bài viết tiếp tục được tập thể lớp nhận xét, đánh giá dựa trên các tiêu chí trong bảng kiểm và được chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn (nếu cần).

Nếu như trong chương trình cũ, các em chỉ chú trọng viết văn bản nghị luận và viết theo những vấn đề có tính định sẵn, tác phẩm được tìm hiểu trong sách giáo khoa thì với chương trình mới sẽ thực hành viết nhiều kiểu văn bản thông dụng. Đặc biệt, với nghị luận văn học, các em sẽ phân tích, đánh giá một tác phẩm ngoài sách giáo khoa.

Do vậy, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc quy trình viết một cách chặt chẽ nhưng có tác dụng phát huy khả năng sáng tạo. Nói cách khác, thay vì dạy chủ yếu kiến thức của tác phẩm thì nay giáo viên cần dạy phương pháp viết bài (quy trình, cấu trúc, cách hành văn…) của từng loại văn bản cho các em.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/viet-van-theo-chuong-trinh-gdpt-2018-nhung-thay-doi-khong-the-bo-qua-post681153.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/viet-van-theo-chuong-trinh-gdpt-2018-nhung-thay-doi-khong-the-bo-qua-post681153.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viết văn theo Chương trình GDPT 2018: Những thay đổi không thể bỏ qua