Ông Luby nhận định rằng, với tỷ lệ tử vong cao như vậy, Nipah có thể trở thành một trong những đại dịch tồi tệ của thế giới nếu nó lây lan mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục "đầu tư vào các chiến lược nhằm làm giảm nguy cơ dịch bùng mạnh và phát triển những biện pháp ứng phó với các chủng virus có nguy cơ cao".
Dù hiện nay virus Nipah vẫn chưa có vắc xin, nhưng ông Luby cho biết, hiện có một số ứng viên vắc xin "tiềm năng" cho thấy có "hiệu quả cao trên động vật".
Trong khi đó, Tiến sĩ K. Puthiyaveettil Aravindan, cựu giáo sư bệnh học tại Trường Cao đẳng Y tế Chính phủ (Ấn Độ), đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan của Nipah trong tương lai, nhấn mạnh rằng "Kerala có thể không phải là điểm nóng duy nhất".
"Có khả năng là hệ thống y tế ở các bang khác ở Ấn Độ có thể chưa truy ra được Nipah", ông Aravindan nói.
Chuyên gia này cũng cảnh báo nguy cơ Nipah có sự thay đổi về mặt cấu tạo, khiến nó trở nên dễ lây lan hơn ở con người và có thể trở thành "mối đe dọa toàn cầu mới như Covid-19" do nhiều yếu tố.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1990. Ấn Độ ghi nhận các ca nhiễm Nipah đầu tiên ở Siliguri, Tây Bengal vào năm 2001 và ít nhất 45 người tử vong vì virus này. Bang Kerala cũng ghi nhận trường hợp nhiễm virus Nipah vào năm 2018.
Các triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau họng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và viêm não. Thời gian ủ bệnh của Nipah thông thường dao động từ 4 ngày đến 14 ngày, nhưng đến nay cũng đã ghi nhận trường hợp mà thời gian ủ bệnh dài nhất là 45 ngày.