Qua lời kể của gia đình, người bệnh có tiền sử táo bón chưa qua điều trị. Một ngày trước khi vào viện, người bệnh đi ngoài khó nên tự dùng vòi xịt toilet áp lực cao để xịt trực tiếp vào hậu môn.
Sau đó, bệnh nhân đau âm ỉvùng bụng dưới bên trái, đau tăng dần và lan ra khắp ổ bụng. Người bệnh được gia đình đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 khám, chụp xquang, siêu âm, chụp Ctscan ổ bụng. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân vỡ đại tràng sau dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn.

Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu. Khi mở ổ bụng kiểm tra, các bác sĩ thấy tình trạng ổ bụng nhiều cặn bẩn, viêm phúc mạc do dịch phân chảy ra qua vị trí vỡ đại tràng. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu vị trí vỡ, làm hậu môn nhân tạo và lau rửa ổ bụng.

Sau phẫu thuật, người bệnh trong tình trạng ý thức lơ mơ, huyết áp tụt thấp, suy đa tạng và được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực. Qua quá trình điều trị tích cực, tình trạng người bệnh dần ổn định và được xuất viện sau phẫu thuật 2 tuần.
Bác sĩ Đỗ Văn Nam - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, việc thiếu hiểu biết về táo bón và tác hại của việc dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn là điều đáng báo động. Thậm chí, có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do xử trí không đúng cách.
Bác sĩ Nam nhấn mạnh, tuyệt đối không dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn khi táo bón. Vòi xịt toilet thường được thiết kế theo kiểu tăng áp, tức là có áp lực nước mạnh gấp 3 - 4 lần so với các loại vòi xịt vệ sinh bình thường.
Do đó, dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn là việc làm nguy hiểm. Mức độ nhẹ có thể gây ra các tổn thương, viêm nhiễm ở niêm mạc hậu môn, viêm nhiễm trực tràng. Mức độ nặng có thể gây vỡ đại tràng, trực tràng.