Tuy nhiên, vẫn phải xử lý nghiêm trường hợp này để làm bài học kinh nghiệm cho các trường hợp khác sau này nhìn vào đó mà không dám vi phạm, đảm bảo công bằng cho mọi kỳ thi. Đây cũng là bài học cho công tác tổ chức kỳ thi đợt 2 sắp tới”.
"Con dại một phần thì mẹ dại mười phần!"
Nhìn nhận vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Ở đây, chỉ còn 5 phút nữa là hết thời gian làm bài. Tôi cho rằng, không hẳn vị phụ huynh kia muốn nhờ cư dân mạng giải giúp đề mà có thể là “thích thể hiện” trên mạng. Bởi vì, nếu chờ được câu trả lời và gửi lại thì cũng gần như đã hết thời gian. Thông thường, nếu với mục đích “gà bài” cho con thì người ta đã chuẩn bị thêm người có trình độ ở bên cạnh, để nếu có được đề thi “tuồn” ra ngoài thì người bên cạnh sẽ làm giúp. Và họ thừa biết việc này là vi phạm quy chế thi nên sẽ bí mật, không dại gì đưa lên mạng”.
Vị luật sư phân tích thêm: “Về phía thí sinh làm “lọt” đề thi ra ngoài khi chưa hết thời gian thi là vi phạm quy chế thi, dù bất kể lý do gì thì việc bị đình chỉ thi môn tiếp theo là đúng quy định. Giả sử cháu có “chuyển” đề thi ra ngoài không vì mục đích được “gà bài”, có thể chỉ là khoe với phụ huynh rằng đã làm bài gần xong… thì việc mang điện thoại vào phòng thi cũng đã vi phạm quy chế thi”.
Luật sư Bùi Đình Ứng đánh giá: “Thứ nhất, đối với thí sinh thì đã bị đình chỉ thi. Cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng trong năm nay đã “đóng cửa” đối với cháu và cháu sẽ phải chờ cơ hội năm sau. Ngoài ra, sự việc này sẽ để lại hậu quả tâm lý nặng đề đối với cháu.
Thứ hai, hại mình tức là phụ huynh sẽ bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ động cơ mục đích đưa đề lên mạng khi chưa hết thời gian làm bài để làm gì? Và cũng có thể đối mặt với việc bị pháp luật xử lý.
Thứ ba, hại người khác tức là hiện nay dư luận xã hội có những ý kiến đặt dấu hỏi nghi vấn rằng, có phải hội đồng thi này lỏng lẻo, thực hiện quy chế không nghiêm túc? Dẫn đến hệ quả, người ta lo ngại về câu chuyện không công bằng trong thi cử giữa các điểm thi, làm ảnh hưởng đến nhiều thí sinh khác, ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển vào đại học của các thí sinh”.
Đồng tình với các quan điểm trên, chuyên gia giáo dục - TS. Lê Viết Khuyến thẳng thắn chia sẻ: “Sự việc trên đúng là rất đáng tiếc. Việc sai thì đã sai rồi. Tuy nhiên, ở đây cũng phải nói rằng, thí sinh đã dại, nhưng phụ huynh còn “dại” hơn khi vội vàng đưa đề thi lên mạng. Hành động thiếu suy nghĩ, dại dột thì sẽ phải chịu hậu quả. Có lẽ khi vị phụ huynh kia nghiệm ra thì đã muộn mất rồi, rút lại cũng không kịp. Mặc dù phụ huynh đã gỡ bỏ hình ảnh đề thi kèm phiếu làm bài thi của con, thế nhưng nhiều người đã kịp chụp lại màn hình và chia sẻ trên nhiều nhóm cộng đồng mạng. Đây là bài học đắt giá dành cho thí sinh và phụ huynh”.