“Tôi dự định sau khi tổng kết năm học, tôi sẽ cho con về quê chơi với ông bà một tuần. Sau đó, tôi sẽ đưa con trở lại Hà Nội để đi học thêm”, chị Lê chia sẻ.
Từ ngày 12/6, con chị Lê sẽ bắt đầu học thêm môn Tiếng Việt và Toán. Mỗi tuần, bé học 4 buổi sáng (2 buổi Tiếng Việt và 2 buổi Toán), mỗi buổi kéo dài trong 2 giờ. Thời gian còn lại, chị Lê cho con học tiếng Anh (2 buổi/tuần) ở trung tâm và học piano (2 buổi/tuần) tại nhà.
Chị Lê nói thêm con chị học môn Tiếng Việt còn chậm nên chị đã nhờ giáo viên kèm con chặt hơn ở môn này. Nếu cần thiết, chị sẽ nhờ giáo viên tăng buổi để dạy thêm cho con.
Giáo viên cho rằng việc cho trẻ học hè quá sớm và quá nhiều là điều không nên. Ảnh minh họa: Pexels. |
Cho con đi học hè là tình trạng chung của nhiều phụ huynh, thế nhưng, cô Lê Thảo, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cho rằng việc cho trẻ học hè quá sớm và quá nhiều là điều không nên vì gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thái độ học tập của trẻ.
Bản thân là một giáo viên tiểu học, cô Thảo thấy hàng năm, ngay khi vừa kết thúc năm học, nhiều giáo viên đã mở lớp dạy hè cho trẻ và dạy trước kiến thức của lớp mới. Nhiều giáo viên cho rằng dạy trước kiến thức cho trẻ thì khi vào năm học mới, việc dạy học sẽ nhàn hơn vì học sinh đã biết hết. Thực tế, việc dạy trước sẽ tạo cho trẻ tâm lý chủ quan, không muốn học và mất tập trung khi lên lớp.
“Nếu dạy trước kiến thức, trẻ sẽ nghĩ là ‘à cái này mình biết rồi nên khi đến lớp mình không cần học nữa’. Suy nghĩ này sẽ rất nguy hiểm vì khiến các con chây ỳ, lười học và không muốn cố gắng. Chưa kể, việc này ảnh hưởng đến những trẻ không đi học hè. Bạn bè biết trước kiến thức nhưng các con chưa biết, các con sẽ bị áp lực vì cảm thấy bản thân không giỏi bằng các bạn”, cô Thảo nói thêm.
Cùng mối lo, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội nhận định hiện nay, nhiều lớp, trung tâm dạy tiền tiểu học mở tràn lan mà không đảm bảo chất lượng giáo viên và chất lượng, nội dung chương trình.
Nhiều nơi cho trẻ học trước chương trình, khiến các em hình thành thói chủ quan, không tập trung khi học chính thức. Vị này cho rằng việc cho con học thêm tiền tiểu học tùy thuộc vào nhu cầu mỗi gia đình, tuy nhiên, việc này là không quá quan trọng bởi khi vào lớp 1, giáo viên sẽ dạy chương trình từ đầu, vẫn phải cầm tay nắn từng chữ.
Thực tế, nhiều trẻ không học tiền tiểu học nhưng đến khi học cùng nhau, chỉ khoảng một thời gian ngắn, con theo kịp, thậm chí ngang hoặc hơn các bạn học trước.
“Phụ huynh không cần quá áp lực cho các con vì lên lớp 1, các con vẫn sẽ có 2 tuần đầu để làm quen. Thay vào đó, phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế cho các con một cách vui vẻ, thoải mái, khơi gợi cho con niềm yêu thích với việc học”, vị hiệu trưởng nói và cho biết chương trình lớp 1 hiện tại phù hợp với học sinh, không quá sức với các con để phải học trước.
Bàn thêm về việc học thêm hè, cô Thảo nói rằng cha mẹ vẫn có thể cho con đi học, tùy vào nhu cầu của từng gia đình và sở thích học tập của trẻ. Tuy nhiên, việc học hè không nên diễn ra quá sớm và càng không nên học ngay khi mới nghỉ hè. Trẻ vẫn cần 1-2 tháng nghỉ ngơi, vui chơi sau 9 tháng học ở trường.
Ngoài ra, khi đăng ký học thêm cho con, cha mẹ chỉ nên tìm những lớp học mang tính chất hệ thống, ôn lại kiến thức đã học ở lớp cũ, không nên học trước kiến thức ở lớp mới. Lịch học hè cũng không nên quá dày đặc, một tuần chỉ nên giới hạn trong khoảng 3-4 buổi, mỗi buổi tối đa 2 giờ.
“Mùa hè là mùa để trẻ nghỉ ngơi, không phải mùa chạy đua với thành tích học tập. Cha mẹ có thể cho con học vài buổi để tránh quên kiến thức, nhưng điều cốt yếu vẫn là tạo cho con không gian học thoải mái, không áp lực, nặng nề”, cô Thảo nhấn mạnh.