Khoa học - công nghệ

Webb nhìn sâu vào tinh vân 'Chân Mèo', đánh dấu 3 năm quan sát vũ trụ

Lyr 11/07/2025 15:22

Để đánh dấu năm thứ ba với những thành tựu khoa học vượt trội, các nhà thiên văn học đã sử dụng Kính thiên văn Không gian James Webb của NASA/ESA/CSA để khám phá sâu hơn vào trong tinh vân Chân Mèo (Cat's Paw Nebula / NGC 6334), một vùng tạo sao lớn và khá gần chúng ta.

Thiết bị NIRCam của Webb đã được sử dụng để quan sát khu vực cụ thể này của NGC 6334.

Sự tạo sao mạnh mẽ

Quá trình chuyển đổi từ đám mây phân tử khổng lồ thành những ngôi sao lớn bao gồm nhiều bước, trong đó có một số bước vẫn chưa được các nhà thiên văn hiểu rõ. Tinh vân Chân Mèo, nằm cách chúng ta khoảng 4.000 năm ánh sáng trong chòm sao Scorpius, mang đến cho các nhà khoa học cơ hội nghiên cứu chi tiết quá trình biến đổi từ mây sang sao.

Quan sát của Webb về tinh vân này ở dải cận hồng ngoại tiếp nối các nghiên cứu trước đây của kính Hubble của NASA/ESA và kính thiên văn không gian Spitzer (đã ngừng hoạt động) của NASA ở các bước sóng khả kiến và hồng ngoại.

Với độ phân giải sắc nét, Webb cho thấy những cấu trúc và đặc điểm với độ chi tiết chưa từng thấy trước đây: Những ngôi sao trẻ khổng lồ đang khuấy động khí và bụi xung quanh, trong khi ánh sáng rực rỡ của chúng tạo ra quầng sáng tinh vân màu xanh lam nổi bật.

Đây là một cảnh tượng tạm thời, nơi các ngôi sao trẻ đầy biến động, với tuổi thọ ngắn và độ sáng cao, có vai trò ngắn ngủi nhưng quan trọng trong câu chuyện lớn hơn của khu vực này. Do hoạt động mạnh mẽ của các sao khổng lồ này, quá trình tạo sao cục bộ cuối cùng sẽ kết thúc.

Cấu trúc tinh xảo của “Nhà hát Opera”

Hãy bắt đầu với khu vực phía trên vùng trung tâm của bức ảnh, được đặt biệt danh là "Nhà hát Opera" nhờ cấu trúc tròn, xếp tầng. Nguyên nhân chính tạo ra ánh sáng xanh lam mờ ở khu vực này rất có thể nằm phía dưới: hoặc là ánh sáng từ các sao màu vàng sáng, hoặc từ một nguồn sáng gần đó vẫn bị che khuất phía sau lớp bụi dày đặc, màu nâu đậm.

Ngay dưới các tầng bụi màu cam-nâu là một ngôi sao sáng màu vàng với các gai nhiễu xạ. Dù ngôi sao khổng lồ này đã làm tan biến môi trường lân cận, nhưng nó chưa thể đẩy khí và bụi ra xa hơn, tạo thành một lớp vỏ vật chất nhỏ gọn bao quanh.

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận thấy các mảng nhỏ như vùng ở ngay bên trái Nhà hát Opera, chứa ít sao hơn. Những vùng có vẻ trống trải này cho thấy sự tồn tại của các sợi bụi dày đặc ở tiền cảnh, nơi các ngôi sao đang hình thành và che khuất ánh sáng của các sao nền phía sau.

Điểm sáng giữa các ngôi sao

Ở gần trung tâm của hình ảnh là các khối nhỏ màu đỏ rực rỡ nằm rải rác giữa bụi màu nâu. Những nguồn sáng đỏ này đánh dấu các vùng nơi mà quá trình tạo sao khổng lồ đang diễn ra, dù vẫn bị che khuất phần nào.

Một số sao lớn màu xanh-trắng, như ngôi sao ở phía dưới bên trái ảnh, có vẻ được nhìn thấy rõ nét hơn các sao khác. Điều này là do mọi vật chất cản giữa ngôi sao và kính thiên văn đã bị bức xạ sao làm tan biến.

Gần đáy khu vực này là các sợi bụi nhỏ, dày đặc. Những đám bụi nhỏ này vẫn tồn tại bất chấp bức xạ mạnh, cho thấy chúng đủ đặc để tạo thành các tiền sao. Một vùng nhỏ màu vàng ở bên phải đánh dấu vị trí của một sao lớn vẫn còn bị che phủ, nhưng đã đủ sáng để xuyên qua vật chất bao quanh.

Trên toàn cảnh này là nhiều ngôi sao nhỏ màu vàng với các gai nhiễu xạ. Các sao sáng xanh-trắng xuất hiện ở tiền cảnh của ảnh Webb, nhưng một số có thể thuộc về khu vực tinh vân rộng lớn hơn.

Một điểm nổi bật trong ảnh này là hình oval màu đỏ-cam sáng ở góc trên bên phải. Số lượng sao nền ít cho thấy đây là một khu vực dày đặc, mới bắt đầu quá trình tạo sao. Một vài ngôi sao nhìn thấy được và vẫn còn bị che khuất nằm rải rác trong vùng này, góp phần làm sáng vật chất ở trung tâm. Một số sao vẫn còn bị bao phủ để lại dấu vết như sóng hình cung ở phía dưới bên trái, cho thấy sự phóng thích mạnh mẽ của khí và bụi từ một nguồn sáng mạnh.

Credit: ESA/Webb, NASA, CSA, STScI, ESO/J. Emerson/VISTA, Digitized Sky Survey 2, N. Bartmann (ESA/Webb), E. Slawik, N. Risinger, D. De Martin, M. Zamani (ESA/Webb)

Thêm một năm tuyệt diệu với khoa học và ghi hình

Webb tiếp tục đạt được những mục tiêu khoa học đầy tham vọng trong năm hoạt động thứ ba. Hiện tượng phát xạ hydro bất ngờ, sáng rực được phát hiện trong thiên hà GZ-z13-1, chỉ 330 triệu năm sau Big Bang. Bằng cách sử dụng coronagraph (tấm chắn nhật hoa), Webb đã chụp được hình ảnh trực tiếp các ngoại hành tinh trong hệ HR 8799, hé lộ cách chúng có thể đã hình thành. Sau đó, các nhà thiên văn phát hiện một ngoại hành tinh tiềm năng mới trong đĩa mảnh vụn quanh sao TWA 7, đây là phát hiện đầu tiên như vậy bằng coronagraph của Webb nhưng chắc chắn không phải là lần cuối cùng. Gần Trái Đất hơn, các nhà thiên văn đã quan sát được cực quang diễn ra chỉ trong vài giờ trên Sao Mộc.

Một cảnh tượng ấn tượng về vòng Einstein hiếm gặp, bộ sưu tập phong phú các thiên hà đóng vai trò như một thấu kính của quá khứ xa xôi, đĩa tiền hành tinh với gió sao mạnh mẽ, và thiên hà Sombrero được quan sát dưới một góc nhìn hoàn toàn mới - đó chỉ là một số trong những hình ảnh được công bố trong năm qua, qua đó Webb đã cho chúng ta một cái nhìn mới về vũ trụ.

Nổi bật trong số đó là phát hiện đầu tiên về các sao lùn nâu trẻ bên ngoài thiên hà chúng ta, tạo nên một bức ảnh tuyệt đẹp về cụm sao NGC 602, nơi hiện lên bức tranh rực rỡ sắc màu của các đám khí bị ion hóa.

Lyr
Theo ESA

Theo thienvanvietnam.org
https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2467:webb-nhin-sau-vao-tinh-van-chan-meo-danh-d-u-3-nam-quan-sat-vu-tr&catid=27&Itemid=135
Copy Link
https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2467:webb-nhin-sau-vao-tinh-van-chan-meo-danh-d-u-3-nam-quan-sat-vu-tr&catid=27&Itemid=135
Bài liên quan
Khai thác không gian vũ trụ theo tinh thần Nghị quyết 57
Trong bối cảnh hiện nay, tự chủ, chủ động tự chế tạo vệ tinh là một trong những nội dung quan trọng giúp Việt Nam tiết kiệm chi phí và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và dịch vụ từ nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Webb nhìn sâu vào tinh vân 'Chân Mèo', đánh dấu 3 năm quan sát vũ trụ