Xây dựng môi trường để học sinh phát triển toàn diện

Nguyễn Cúc (TTXVN) 20/02/2025 10:21

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/2, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Chú thích ảnh
Việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng sẽ giải quyết được hiện tượng “ép” học sinh học thêm để thu tiền từng gây bức xúc dư luận thời gian qua. Những quy định mới về dạy thêm, học thêm trong Thông tư cũng được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng môi trường giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện.

Điều chỉnh - thích nghi

Từ khi có hiệu lực vào ngày 14/2 với nhiều điểm mới, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã tác động mạnh mẽ đến các nhà trường, giáo viên và gia đình học sinh. Ghi nhận thực tế những ngày qua cho thấy, các nhà trường đã cho dừng các lớp học bổ trợ kiến thức, các tiết học tăng cường. Các trung tâm bồi dưỡng kiến thức văn hóa ngoài nhà trường cũng tạm ngừng mở lớp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai, vẫn có khá nhiều giáo viên lúng túng, băn khoăn về các vấn đề như: Giáo viên được phụ huynh nhờ kèm một vài học sinh tại nhà thì có phải đăng ký kinh doanh không? Hay giáo viên không dạy trực tiếp mà chuyển sang dạy trực tuyến cho học sinh của mình thì có sai quy định không? Cũng có nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn được hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm theo quy định.

Các vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết vẫn đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để giáo viên hiểu và chấp hành đúng quy định. Về việc chuyển dạy thêm từ trực tiếp sang trực tuyến, Sở cũng đã thông báo rõ, việc dạy thêm ở bên ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy chính khóa dù thực hiện theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến đều không đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cùng các nhà trường, thầy, cô giáo để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào nền nếp.

Còn theo quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT thì tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp, kể cả dạy kèm một vài học sinh tại nhà.

Tại các gia đình cũng đã có sự điều chỉnh để thích nghi với thời gian biểu của nhà trường cũng như định hướng cho con về việc học tập, ôn tập khi không còn tham gia các lớp học thêm.

Có con chuẩn bị thi vào lớp 10, chị Bùi Thu Nga (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con chị có lực học khá nhưng do quen học thêm từ nhỏ nên con bị hẫng khi các lớp học thêm ở trung tâm thông báo tạm dừng. Tuy nhiên, chị Nga đã động viên con tập trung hơn ở lớp và tăng cường tự học ở nhà trong khi chờ các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp hỗ trợ.

Phần lớn các gia đình bày tỏ mong muốn việc quản lý dạy thêm, học thêm sẽ được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, công bằng.

Nỗ lực bảo đảm quyền lợi học sinh

Bày tỏ lo lắng khi nhà trường đã dừng các lớp bồi dưỡng kiến thức, chị Vũ Ánh Nguyệt (quận Tây Hồ, Hà Nội) có con đang học lớp 12 chia sẻ, “Các quy định mới quả thật sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh và gia đình, song liệu rằng việc học trên lớp có đảm bảo đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp hay không, nhất là đây lại là năm đầu tiên áp dụng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mong Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm có hướng dẫn nhà trường vì từ giờ đến khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra không còn nhiều thời gian”, chị Vũ Ánh Nguyệt chia sẻ.

Trước lo lắng của nhiều phụ huynh cho rằng quy định mới về việc không thu tiền đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức trong nhà trường sẽ làm ảnh hưởng đến việc ôn tập của học sinh lớp 9 và lớp 12, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã rà soát, chỉ đạo các nhà trường bảo đảm nội dung chương trình môn học theo đúng kế hoạch. Sở cũng đang tích cực đề nghị giải pháp hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho việc ôn tập cho học sinh cuối cấp.

Ông Trần Thế Cương cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm là cần thiết. Các nội dung tại thông tư bao quát được toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài trường học; trách nhiệm quản lý của UBND cấp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan. Các quy định của thông tư cũng nhằm hướng đến việc đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, vừa bảo đảm lợi ích của học sinh, vừa giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm, mẫu mực của nhà giáo.

Hà Nội có quy mô trường lớp, học sinh và giáo viên lớn nhất cả nước với hơn 2.900 cơ sở giáo dục, 2,3 triệu học sinh và 130.000 nhà giáo. Việc quản lý dạy thêm, học thêm ở Hà Nội sẽ khó khăn hơn các địa phương bởi đây là vấn đề phức tạp, nhu cầu rất lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp thì đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là học sinh.

Do đó, ngày 11/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hướng dẫn việc triển khai. Sở đề nghị các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả, báo cáo kịp thời về Sở những khó khăn, vướng mắc (nếu có).

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết.

Bên cạnh đó, Sở sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Sở đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, việc quản lý dạy thêm, học thêm cần sự nỗ lực của ngành và cả sự chia sẻ, thấu hiểu, chung sức vào cuộc, giám sát của phụ huynh học sinh. Ông bày tỏ, mong phụ huynh học sinh hãy tin tưởng, đồng lòng, chung sức, khẳng định trách nhiệm gia đình cùng ngành Giáo dục thực hiện và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi để các em được phát triển toàn diện.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/xay-dung-moi-truong-de-hoc-sinh-phat-trien-toan-dien-20250220101438814.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/xay-dung-moi-truong-de-hoc-sinh-phat-trien-toan-dien-20250220101438814.htm
Bài liên quan
Quy định mới về kiểm định chương trình đào tạo đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 04 quy định về kiểm định chương trình đào tạo trình độ đại học thay thế cho các thông tư liên quan về kiểm định chương trình dào tạo đại học hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng môi trường để học sinh phát triển toàn diện