Diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024 diễn ra ngày 16/5 tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tham dự.
Với chủ đề “Xây dựng nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo”, diễn đàn nhấn mạnh vào việc phát triển các trụ cột: chính sách – đào tạo – nghiên cứu, chuyển giao tri thức.
Qua đó, giúp tập trung và sâu rộng hóa các vấn đề quan trọng, từ việc xây dựng chính sách tạo điều kiện cho đến đổi mới, cải thiện quy trình đào tạo, tăng cường nghiên cứu và chuyển giao tri thức, công nghệ từ trường đại học ra cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đại học và đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ thưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh 3 từ khóa quan trọng là: đột phá, kết nối, định hướng chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đảng và Nhà nước khẳng định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược. Từ chủ trương này, Thứ trưởng đặt vấn đề, tại sao lại là đột phá chiến lược?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại diễn đàn. |
Theo Thứ trưởng, đột phá không phải là sự phát triển mang tính tuyến tính. Đột phá là sự phát triển có tính chất bước nhảy. Giá trị mang lại không chỉ phụ thuộc tuyến tính vào nguồn lực đầu tư, mà nó có thể tăng theo cấp số mũ. Đó là đột phá.
Đặt vấn đề vì sao phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lại là đột phá? Thứ trưởng cho rằng, cả 3 điều này đều gắn với tri thức.
Phát triển nguồn nhân lực là truyền bá tri thức để tạo nên nhân lực có trình độ, chất lượng. Nghiên cứu để khám phá tri thức và đổi mới sáng tạo, mang tri thức chuyển thành giá trị thiết thực, giá trị về vật chất và tinh thần cho người dân, xã hội. Tri thức là một dạng phi vật chất.
Vật chất thì tuân theo định luật bảo toàn nên càng dùng nhiều thì càng kém và mất đi giá trị, nhưng mà tri thức thì càng sáng tạo nhiều, càng dùng nhiều thì giá trị nó càng nhân lên gấp bội. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là ba việc có tính đột phá.
Đánh giá cao những sáng kiến và sự chủ động của các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng nhìn nhận, trong bối cảnh giáo dục đại học phát triển theo chủ trương tự chủ mang lại nhiều lợi ích; trong đó việc chủ động kết nối, xây dựng mạng lưới giữa các trung tâm đổi mới sáng tạo trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng là một hướng đi mang lại lợi ích cho tất cả.
PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại diễn đàn. |
Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới - PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, các kết quả từ diễn đàn này sẽ góp phần gắn kết, nâng cao năng lực cho các cấu phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Qua đó để mỗi thành phần trong hệ sinh thái này tự sáng tạo ra các giá trị và liên kết với nhau chặt chẽ hơn, tạo ra giá trị chung của toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chẳng hạn, các trường đại học – một chủ thể quan trọng của đổi mới sáng tạo sẽ phát huy được mạnh mẽ thế mạnh và thực thi sứ mệnh của mình một cách hiệu quả. Khi nằm ở tầm vĩ mô, các nhà quản lý nhận ra vấn đề đổi mới sáng tạo và cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo ở trường đại học là nhân tố sống còn cho phát triển xã hội đổi mới sáng tạo và chủ động sáng tạo giá trị.
Khi đó, bản thân các trường chủ động nâng cao nội lực thông qua quyết tâm thay đổi, đặt đổi mới sáng tạo vào nhiệm vụ trọng tâm để tự đổi mới chính mình và xác định kỳ vọng đầu ra một cách rõ ràng, minh bạch, bằng chiến lược hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả, với khu vực tư nhân và thị trường.
“Chúng ta cùng kết nối để chia sẻ nguồn lực, ý tưởng, cùng đề xuất cơ chế, chính sách. Như vậy thì hệ thống sẽ có những bước tiến lớn, tạo ra đột phá trong lĩnh vực đột phá này” – Thứ trưởng nhìn nhận, đồng thời gửi lời chúc mừng đến những người làm khoa học, công nghệ nhân Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5.