Cô Trần Thị Hồng Hạnh chia sẻ: “Là một giáo viên dạy Toán và làm công tác chủ nhiệm lớp 8, lứa tuổi học sinh đang có sự thay đổi lớn về tâm lý, các em thích học theo cách làm của người lớn, bướng bỉnh ương ngạnh rất dễ bị lôi cuốn vào lối sống buông thả. Nếu chỉ lấy biện pháp kỷ cương, kỷ luật ra để giáo dục các em chắc sẽ khó thành công mà phải biết ứng xử phù hợp với tâm lý lứa tuổi và bằng tình yêu thương, bao dung độ lượng, thầy cô phải có tâm huyết bằng cả trái tim mới khơi lên nguồn cảm hứng và nghị lực vươn lên và thành công trong cuộc sống của các em học sinh”.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, trường cũng đầu tư vào việc xây dựng môi trường học đường đẹp, có đầy đủ công năng để học sinh có thể chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp trong ngôi trường của mình.
Các thầy giáo, cô giáo luôn tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh. Thầy cô có sự đổi mới trong phương pháp dạy học, phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo định hướng Chương trình GDPT mới.
Đại diện nhà trường, Công đoàn tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Thầy Nguyễn Hải Sơn nhận định, trường học hạnh phúc cần có một cảnh quan đẹp, bởi vậy khuôn viên cây xanh của nhà trường được đầu tư, chăm sóc, tạo không gian xanh mát, thân thiện. Khi đến trường học, học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè; cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại sân trường, bồn hoa, hàng cây, lớp học đều góp phần làm nên xúc cảm hạnh phúc, vui tươi, phấn khởi trong suy nghĩ tuổi học trò.
"Hạnh phúc phải được xây dựng bồi đắp trong cuộc sống mỗi ngày và cần được lan tỏa trong mỗi lớp học. Có lớp học hạnh phúc thì mới có trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan toả, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc" - thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải Sơn khẳng định.
Với các thầy cô và học sinh trong nhà trường coi kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra không phải là mục tiêu cuối cùng mà chỉ đơn giản là phương tiện kết thúc. Mục đích của nhà trường là giúp các em phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, thực tiễn. Các thầy cô giáo phải giúp các em trang bị các kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống.
Học sinh được tham gia nhiều trò chơi vận động, thể dục thể thao để kích thích tư duy sáng tạo. |
Thầy Ngô Văn Đạt - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hải Lý cho biết: “Là một giáo viên và được phân công làm công tác tư vấn tâm lý học đường, tôi nhận thấy xây dựng ngôi trường hạnh phúc ở đó là nơi không có bạo lực học đường, hay các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Các thầy cô không chỉ dạy về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người”.
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Trong sự đổi mới đó thì việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục. Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các giáo xứ họ đạo và tổ chức đoàn thể địa phương, sự đồng lòng của phụ huynh học sinh, sự quyết tâm, nỗ lực của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, Trường THCS Hải Lý sẽ nỗ lực trở thành trường học hạnh phúc, đáp ứng mong mỏi của cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân địa phương góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học đã đề ra.