Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường

Hà Nguyên | 16/08/2022, 21:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường là nội dung tập huấn 2 ngày 15-16/8 cho gần 100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện đến từ 38 trường học tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam).

Chương trình tập huấn do Phòng GD&ĐT Bắc Trà My và Dự án Văn hóa đọc Việt Nam phối hợp tổ chức.

Thầy Trần Việt Quân - Sáng lập Cộng đồng Sống tử tế GNH, sáng lập và cố vấn hệ thống trường Tuệ Đức, hệ thống Bách khoa Education… chia sẻ về cách xây dựng Ngôi trường hạnh phúc. Nơi mỗi thầy cô đều gương mẫu. Nơi mà học sinh được thổi hồn nhân cách. Nơi mỗi người đi làm, đi dạy, đi học đều cảm thấy hạnh phúc.

Tập huấn 'Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường' ảnh 1
Giáo viên, nhân viên thư viện tham gia khóa tập huấn Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường làm việc nhóm.

Theo thầy Trần Việt Quân, trường học không những là nơi học sinh được trau dồi sự hiểu biết, thoả sức vận động, rèn luyện nghị lực mà còn là nơi giúp học sinh nuôi dưỡng tình yêu thương bằng việc tham gia các hoạt động thiện nguyện ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Sau những hoạt động sôi nổi hướng ra bên ngoài, học sinh thực hành quay về bên trong, yên tĩnh với chính mình.

Xây dựng văn hóa đọc chính là khơi gợi lại niềm đam mê đọc sách, tìm kiếm tri thức, tinh hoa từ những trang sách mà ông cha ta đã để lại. Qua đó phát triển khả năng tự học từ việc chủ động tìm đến những trang sách mang tri thức và nhân cách cao đẹp. Được truyền cảm hứng để sống một cuộc đời có ý nghĩa và cống hiến cho xã hội.

Thầy Trần Việt Quân đã chia sẻ về ước mơ của Dự án: “Từng trẻ em được phát triển nhân cách, biết thiện ác, đúng sai; Từng học sinh xác định rõ định hướng cuộc đời, có ước mơ, hoài bão tươi đẹp; Thói quen đọc sách thấm sâu vào từng em nhỏ, gia đình, nhà trường; Mỗi người đều biết cách chọn đọc sách tinh hoa, để phát triển trí tuệ; Nhà trường, gia đình là nơi làm gương đọc sách tinh hoa cùng con”.

Trong khóa tập huấn, cô Trần Thị Mỹ Dung – Trưởng dự án Văn hóa đọc Việt Nam cũng đã chia sẻ kiến thức về phương pháp dạy học kiến tạo, tìm hiểu tâm sinh lý của học sinh để chọn sách phù hợp. Thông qua chương trình, học viên được có cơ hội trải nghiệm rất nhiều trò chơi, hoạt động tương tác với sách.

Theo đó, việc đọc sách không còn nhàm chán là “lật sách ra và đọc sách trong im lặng” nữa. Học viên có cơ hội bước ra khỏi vòng an toàn theo phong cách cũ, sáng tạo những cách hướng dẫn đọc sách vui tươi, sinh động và cuốn hút hơn.

Dự án Văn Hóa Đọc Việt Nam gồm có 6 hoạt động chính:

Giảng dạy Giờ đọc hạnh phúc Offline và Online cho các bạn học sinh trên toàn quốc; Tổ chức khóa học đào tạo phụ huynh xây dựng văn hóa đọc trong gia đình; Hỗ trợ tập huấn nhà trường, đơn vị, trung tâm, tổ chức cộng động xây dựng Giờ đọc hạnh phúc và văn hóa đọc trong nhà trường; Trao tặng sách tủ sách tinh hoa cho nhà thư viện cộng đồng và trường học; Hỗ trợ hướng dẫn và xây dựng các không gian đọc, thư viện trên toàn quốc; Kết nối và hỗ trợ các dự án cộng đồng khác về phát triển văn hóa đọc thông qua dự án Sách nói cho đồng bào ta…

Bài liên quan
Lan tỏa văn hóa đọc qua cuộc thi "Giới thiệu cuốn sách em yêu thích"
Tham dự cuộc thi, mỗi lớp sẽ cử đại diện lên thuyết trình và kể về nội dung cuốn sách mà mình yêu thích. Thông qua đó, các em học được những giá trị nhân văn, bài học quý báu về cách ứng xử trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường