Giáo dục

Xe đưa đón học sinh: Rõ trách nhiệm của từng người

17/09/2024 11:12

Đảm bảo an toàn cho học sinh là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, người được phân công nhiệm vụ và cả đội ngũ lái xe, nhân viên đón trả.

Đối tượng phục vụ còn non nớt về kỹ năng, hiểu biết lẫn sức khỏe đòi hỏi trách nhiệm của người liên quan càng lớn.

Kiểm soát thông tin di chuyển

Mỗi học sinh đăng ký di chuyển bằng xe đưa đón của Hệ thống giáo dục Sky - Line (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được cấp thẻ để thông báo tình trạng lên xe - xuống xe. Sau khi học sinh quẹt thẻ, phụ huynh nhận được tin nhắn của hệ thống thông báo con mình đã lên hoặc xuống xe.

Đối với trường hợp quên thẻ, khi trẻ lên - xuống xe, bộ phận quản sinh sẽ cập nhật lên hệ thống để báo về bộ phận tư vấn thông báo đến phụ huynh. Sau 9 giờ sáng, học sinh nào vắng mặt tại lớp mà không có lý do được nhà trường thông báo cho phụ huynh bằng hình thức điện thoại trực tiếp.

Hiện có khoảng 12% học sinh ở các độ tuổi mầm non, tiểu học, THCS và THPT của Hệ thống giáo dục Sky - Line sử dụng dịch vụ xe đưa đón hằng ngày. Ngoài ra, khoảng 50% học sinh nhà trường sử dụng xe đưa đón miễn phí để di chuyển giữa các cơ sở, phục vụ cho việc học tập.

Bà Phạm Thị Khánh - Phụ trách truyền thông của Hệ thống giáo dục Sky - Line cho biết: “Ngoài đón trả tại nhà, nhà trường còn đón trẻ tại một số điểm trung chuyển. Tại đây, nhà trường thống nhất với phụ huynh thời gian chờ đợi tối đa 5 phút. Tuy nhiên, trên thực tế, quản sinh sẽ đợi khoảng 10 phút.

Trong trường hợp phụ huynh chưa có mặt tại điểm trung chuyển để tiếp quản, các em sẽ cùng xe di chuyển đến điểm trung chuyển tiếp theo. Có trường hợp, đến điểm cuối cùng mà phụ huynh chưa có mặt để tiếp nhận thì trẻ sẽ theo xe trở về trường chứ tuyệt đối không trả học sinh giữa đường”.

Phụ trách xe đưa đón của Hệ thống giáo dục Sky - Line, công việc chính của cô Trần Thị Thu là theo dõi, điểm danh, kiểm tra số lượng học sinh từ nhà đến trường, từ trường về nhà theo đúng danh sách. Theo xe đưa đón mỗi ngày trong suốt một năm học giúp cô Thu ghi nhớ, nhận diện và xác nhận đúng người đón trẻ tại điểm trả. Với xe trung chuyển học sinh giữa các cơ sở của hệ thống, mỗi xe đều có hai giáo viên phụ trách lớp đi cùng, trong đó, đảm bảo một người xuống xe sau cùng khi học sinh đã xuống hết.

Quản lý học sinh đi xe buýt là một áp lực không nhỏ với đội ngũ tài xế và quản sinh. Áp dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ này giúp phụ huynh học sinh có thể cùng tham gia giám sát và giảm một phần áp lực cho đội ngũ khi thực hiện nhiệm vụ trung chuyển học sinh tới trường.

Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chỉ đón học sinh tại nhà chứ không đón tại các điểm trung chuyển. Với những trường hợp nhà học sinh ở trong hẻm, giáo viên phụ trách sẽ di chuyển vào nhà đón hoặc phụ huynh dẫn trẻ ra đầu đường, tùy thuộc vào khoảng cách để thống nhất.

Cô Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đức cho biết: “Chúng tôi không hợp đồng xe với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để đưa đón học sinh vì có nhiều công đoạn nhà trường không thể kiểm soát được. Ví dụ như thay đổi tài xế đột xuất dẫn tới không nắm kỹ lịch trình của tuyến đường sẽ dẫn đến những tình huống không như mong muốn”.

Chính vì vậy, nhà trường quyết định chỉ nhận đưa đón học sinh trong khả năng đáp ứng của đội xe. Việc quản lý học sinh lên, xuống xe do giáo viên phụ trách. Danh sách giáo viên phụ trách mỗi tuyến xe được cố định và hạn chế tối đa thay người. Từ thực tế đơn vị, cô Lê Thị Nga cho rằng, các dịch vụ liên quan đến học sinh như phục vụ bán trú, xe đưa đón, xe trung chuyển đòi hỏi mỗi trường phải xây dựng quy trình. Những công việc này, không chỉ quen tay là làm được mà cần phải được tập huấn, giám sát thường xuyên.

Trong tập huấn, phải có tình huống cụ thể để lái xe, giáo viên phụ trách đưa đón rèn kỹ năng thực hành, xử lý, tránh những lúng túng không đáng có khi xảy ra trong thực tế. Đặc biệt, giáo viên phụ trách phải luôn nhắc nhở trẻ các lưu ý khi lên, xuống xe, tránh đứng ở các vị trí khuất tầm nhìn để đảm bảo an toàn trong trường hợp tài xế lùi xe.

ro trach nhiem cua tung nguoi (1).png
Học sinh Hệ thống giáo dục Sky - Line được hướng dẫn các kỹ năng an toàn khi lên, xuống xe. Ảnh: NTCC

Tăng cường quản lý

Chuẩn bị cho năm học mới, để đảm bảo an toàn đối với xe đưa đón học sinh, UBND TP Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì rà soát trường học có sử dụng ô tô hợp đồng đưa đón học sinh. Từ đây, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Đặc biệt, phải có phương án kiểm soát, đảm bảo không còn hành khách trên xe sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc.

UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở GD&ĐT TP chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng ngành Giao thông vận tải và cơ quan chức năng thành phố thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh. UBND thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến THPT) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng học sinh khi lên xe và rời xe.

Nhà trường cần phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe, tuyệt đối không hợp đồng vận chuyển đưa đón học sinh đối với các đơn vị không đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

UBND TP Đà Nẵng lưu ý các đơn vị, trường học cần ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển những yêu cầu, trách nhiệm của các bên và cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô. Trên xe cần phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh...

Công an TP Đà Nẵng chủ trì, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.

“Chúng tôi thấy rằng nếu nhiều người cùng phụ trách một công việc quản lý học sinh sẽ có khoảng trống vì không tránh khỏi tâm lý ỷ lại, chủ quan. Vì vậy, ngoài xây dựng quy trình chặt chẽ thì nhân sự phải được tập huấn thường xuyên và đảm bảo điều độ. Như với việc giám sát học sinh lên - xuống xe đưa đón, chỉ có giáo viên theo xe thực hiện nên buộc phải tập trung, nâng cao trách nhiệm”. - Cô Lê Thị Nga (Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đức Trí, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xe đưa đón học sinh: Rõ trách nhiệm của từng người