Xét tuyển đại học bằng điểm học bạ: Có bảo đảm công bằng, khách quan?

29/07/2022, 11:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Rất nhiều trường đại học đang sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ) để xét tuyển. Vậy, kết quả học tập ở bậc THPT hiện nay có khách quan hay không? Chúng ta cần trả lời một số câu hỏi và tìm hiểu thêm về khoa học kiểm tra đánh giá.

Thứ nhất, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích kiểm tra kết quả dạy và học của cả nước. Kỳ thi đánh giá học sinh đã đạt được chuẩn tốt nghiệp chung hay chưa. Có thể nói kỳ thi từ năm 2020 đến năm 2022 đã thành công và đạt được mục tiêu của 1 kỳ thi tốt nghiệp.

Thứ hai, kết quả học tập ở bậc THPT (điểm học bạ) là kết quả đánh giá quá trình dạy và học ở một trường THPT cụ thể, có thể gọi nó là “chuẩn” trường THPT. Một số địa phương có bài thi kết thúc học kỳ chung thì kết quả của kỳ thi này có thể dùng để kiểm tra “chuẩn” của địa phương. Trong một số trường hợp thì kết quả học bạ chính là “chuẩn” do một giáo viên đặt ra cho chính các lớp học của mình.

Thứ ba, về khoa học kiểm tra đánh giá thì bài kiểm tra trong quá trình học nhằm kiểm tra kết quả dạy và học của thầy cô và nhóm học sinh cụ thể trong một lớp học, một trường học và một địa phương. Các bài kiểm tra cần được thiết kế phù hợp với đặc điểm của từng nhóm học sinh, từng trường và từng địa phương.

Vì vậy, kết quả học tập của các trường khác nhau, các địa phương khác nhau là khác nhau vì nó được đo bằng các “thang đo” khác nhau. Nên không thể nói kết quả học bạ là không khách quan (đương nhiên vẫn có đâu đó một số học sinh được đánh giá không chuẩn, có sự nâng đỡ, nhưng chắc chắc đó là số ít).

Việc xét tuyển đại học là đánh giá năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của một thí sinh xem có phù hợp với ngành đào tạo và trường đại học cụ thể hay không? Nói cách khác, thí sinh cần đạt được chuẩn đầu vào của trường đại học/ngành đào tạo.

Các trường đại học lớn, uy tín, các ngành đào tạo “hot” sẽ có chuẩn đầu vào cao và ngược lại. Trong cùng trường thì các ngành có điểm chuẩn khác nhau; cùng một ngành nhưng ở các trường khác nhau cũng có điểm chuẩn khác nhau.

Vì vậy, việc sử dụng “thuần” kết quả học bạ để xét tuyển đại học đã thể hiện rõ tính không công bằng (tính khách quan vẫn đảm bảo) vì chúng ta đang sử dụng nhiều “thang đo” khác nhau để đánh giá chuẩn chung cho một trường đại học/ngành đào tạo.

Bên cạnh đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục tiêu khác, chỉ đánh giá đạt/không đạt một chuẩn chung của quốc gia. Vì vậy, độ khó của đề thi thường không cao, dẫn đến các trường/ngành đào tạo có chuẩn đầu vào cao sẽ khó chọn được người có năng lực tốt nhất/phù hợp nhất. Các trường đại học có chuẩn đầu vào thấp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thậm chí có thể dùng kết quả học bạ.

Vậy, các trường có chuẩn đầu vào cao có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ hay không? Có thể dùng nhưng chỉ nên dùng để làm mức điểm sàn/ngưỡng đảm bảo chất lượng để có thể sàng lọc trước những thí sinh có năng lực ở nhóm thấp so với chuẩn của trường/ngành đào tạo. Sau đó cần có bài đánh giá riêng theo chuẩn của trường/ngành. Ngoài ra, các trường nên có thêm các bài test riêng về sự phù hợp của thí sinh với đặc tính của ngành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét tuyển đại học bằng điểm học bạ: Có bảo đảm công bằng, khách quan?