Tác dụng của vỗ là thông kinh lạc, giảm đau, làm ấm vùng thận, do đó người ta hay làm động tác này ở vai, thắt lưng, tứ chi.
Chặt: Nghiêng bàn tay, các ngón tay sát nhau, người thực hiện vận động cổ tay mềm mại theo chiều vận động ngang của bàn tay để cho mặt ngoài ngón út hoặc ô mô út (nghiêng bàn tay phía ngón út) chặt trên da người bệnh. Khi làm động tác này thường phát ra tiếng kêu của bàn tay. Tác dụng: Giảm đau, tê, mỏi, khí huyết lưu thông.
Day: Lấy đầu mô cái hay đầu mô út hoặc gốc bàn tay ấn xuống vùng huyệt, di động theo đường tròn theo chiều kim đồng hồ. Tay người day và da người bệnh phải như dính vào nhau, di động theo tay người day.
Khi day, sức ấn phải vừa với sức chịu đựng của người bệnh. Day có tác dụng làm mềm cơ, giảm đau. Day và xoa hay dùng trong các trường hợp trị sưng, đau, có thể tác động trực tiếp vào nơi đau.
Lăn: Dừng một ô mô út lên da người bệnh. Người thực hiện khéo léo vận động khớp cổ tay theo nhịp nhất định trên vùng định xoa bóp (lưu ý lăn chứ không phải xát).
Tác dụng của lăn làm ôn thông kinh lạc, ấm da, giảm đau, tăng dẫn truyền thần kinh. Động tác này dùng ở vùng lưng, vai, mông và chi.
Rung: Người bệnh ngồi trên ghế ngay ngắn. Người thực hiện đứng sau người bệnh, hai tay hay một bàn tay cầm lấy bàn tay người bệnh, các ngón tay xoè, rung đều tay, lúc đó bàn tay người bệnh rung theo, lan dần lên cánh tay, khớp vai. Động tác này chữa viêm dính khớp vai khá hiệu nghiệm.
Vận động: Đây là động tác vận động các khớp. Tác dụng chủ yếu là lưu thông khí huyết, phục hồi chức năng vận động của khớp.
Đốt sống cổ: Người bệnh ngồi trên ghế, người thực hiện đứng đằng sau, một bàn tay đặt lên cằm, một tay đặt lên đầu người bệnh.
Sau đó 2 tay của người thực hiện vận động ngược chiều nhau nhẹ nhàng sang phải rồi sang trái khoảng 4-5 lần, rồi đột ngột vặn thật mạnh cho kêu đốt sống cổ.
Khớp vai: Đặt một tay lên vai người bệnh, tay kia nắm bàn tay hay cánh tay người bệnh vận động khớp vai lên xuống, ra trước và ra sau.
Cột sống lưng và thắt lưng: Người bệnh nằm nghiêng, chân dưới duỗi, chân trên cọ, tay dưới để trước, tay trên quặt ra sau. Đứng phía bụng bệnh nhân, tỳ nhẹ cẳng tay trái lên mông người bệnh, căng tay kia đặt ở rãnh khớp vai, hai tay vận động ngược chiều nhẹ nhàng 5-6 lần rồi đột ngột vặn mạnh để phát ra tiếng kêu cột sống là được.
Khớp cổ tay: Một bàn tay cầm lấy bàn tay của người bệnh, tay kia giữ trên cẳng tay. Lay thật nhẹ tay người bệnh lên trên, xuống dưới, qua phải, qua trái.
Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt
Trên đây là một số thủ thuật xoa bóp chữa bệnh đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, khi thực hiện cần phải dựa vào đặc điểm bệnh cụ thể để có cách điều trị phù hợp, vì có những người chỉ làm một vài lần là khỏi bệnh, nhưng cũng có trường hợp phải thực hiện liên tục vài tháng.
Những động tác này không nhất thiết phải làm cùng một lúc, có thể chỉ thực hiện một vài động tác có tác dụng cụ thể cho bệnh. Thời gian thực hiện cũng không bó buộc, có thể chỉ là 8-9 phút hoặc lâu hơn, 20-30 phút.
Nhưng phải hết sức chú ý không được dùng thủ pháp này cho các bệnh như gãy xương, suy tim, lao cột sống, bong gân. Không được xoa bóp khi người đang mệt, sợ hãi hoặc khi mới ăn no.
Các bệnh như suy nhược thần kinh, cắt cơn hen và cơn đau dạ dày - tá tràng, đầy bụng, sôi bụng, táo bón, đau thần kinh tọa, đau lưng cấp, thoát vị đĩa đệm, đau đầu do cảm mạo, vẹo cổ, viêm quanh khớp vai... dùng phương pháp xoa bóp sẽ có hiệu quả cao.