Năm 1927 ông tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại Quảng Châu. Trở về nước hoạt động cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tù khổ sai, đày ra Côn Đảo năm 1930. Sau khi sưu tầm được cuốn “Đường Kách mệnh”, ông đã trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Trưng bày còn mang đến cho người xem một bảo vật quốc gia khác là tác phẩm “Nhật ký trong tù” và hiểu câu chuyện xuất xứ của bảo vật này. Đó là một cuốn sổ tay nhỏ, kích thước 12,5cm x 9,5cm, gồm 64 tờ viết trên một mặt bằng mực Tàu, chủ yếu theo hàng dọc từ trên xuống, từ phải sang trái và 18 tờ để trắng.
Bảo vật quốc gia 'Đường Kách mệnh'. |
Chiếc nồi của Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ dùng nấu mực in tài liệu tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) năm 1939. |
Một phần rất quan trọng trong trưng bày là những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, kỷ vật, tác phẩm, tài liệu chính trị, câu trích, câu nói nổi tiếng đầy khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc.
Mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, các chiến sĩ vẫn kiên trung với cách mạng, coi gông cùm, đòn roi là ngọn lửa để tôi rèn ý chí.
Tại nơi tù ngục này, các đảng viên đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng. Những cán bộ của Đảng đã cùng nhau trao đổi, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, tổ chức các lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác - Lênin… góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc sau này.
Thông qua trưng bày, người xem - đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cống hiến của lớp thanh niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản ở Việt Nam. Từ đó nhận thức sâu sắc hơn vai trò của những “Hạt giống đỏ” được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ươm mầm, gieo trồng cho cách mạng Việt Nam.
Người xem cũng được ngắm những kỷ vật như đôi lọ lục bình đựng tài liệu, sách báo bí mật của Đảng, chuyển từ nước ngoài về Hải Phòng bằng đường biển trên tàu Pháp năm 1932. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhận và giao cho các cơ sở bí mật của Đảng trong nước. Bên cạnh đó là chiếc nồi của Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ dùng để nấu mực in tài liệu ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) năm 1939.
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã cống hiến trí tuệ và mạng sống của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.
“Từ năm 1925 - 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước. Lớp đầu tiên được mở vào khoảng cuối năm 1925 với 10 học viên, học trong 1,5 tháng. Đến tháng 4/1927 đã có 10 lớp học được tổ chức với 250 - 300 học viên. Đa số học viên học xong đã trở lại Việt Nam. Một số được gửi đi học tiếp tại Trường Đại học Phương Đông”.