5 khó khăn trẻ lớp 1 phải "đương đầu" khi học trực tuyến

VH | 04/09/2021, 15:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - PGS.TS Trần Thành Nam đã nêu 5 khó khăn khi trẻ lớp 1 học trực tuyến. Gia đình và nhà trường cần phối hợp để hỗ trợ trẻ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh giáo dục chuyển đổi số mạnh mẽ, học trực tuyến sẽ sớm trở thành chính thức. Học trực tuyến cũng được chứng minh mang lại lợi ích cho trẻ hướng nội, rụt rè.

"Học trực tuyến cũng giúp chúng không phải đương đầu với sự tẩy chay hoặc bắt nạt, bêu xấu bởi những học sinh lớn ở trường. Trong bối cảnh hiện tại, các con đã bí bức rất nhiều trong thời gian giãn cách. Học trực tuyến cũng là 1 cách thức kết nối xã hội, một hoạt động làm cá nhân bận rộn và cảm thấy có giá trị. Do vậy, học trực tuyến ở một giác độ nào đó là phương cách giúp các con giải tỏa lo lắng. Qua đó, giáo viên có cơ hội giáo dục cho các con vệ sinh và bảo vệ sức khỏe tâm thần", PGS Trần Thành Nam cho biết.

kho-khan-hoc-truc-tuyen1.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, học trực tuyến cũng là một cách kết nối xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, chuyên gia này đã chỉ ra những khó khăn đối với trẻ lớp 1 khi học trực tuyến:

- Trẻ 6 tuổi rất háo hức khám phá nên dễ bị mất tập trung bởi bất kỳ một kích thích nào xung quanh.

- Đây cũng là độ tuổi rất hiếu động và ồn ào, khoảng chú ý ngắn. Bởi vậy rất khó khăn khi trẻ phải ngồi vào một chỗ, phải tập trung trong thời gian dài.

- Các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay (do kỹ năng phối hợp thính giác – vận động hoặc thị giác - vận động vẫn đang phát triển). Vì vậy, các em sẽ bỏ lỡ bài học nếu bị phân tâm hoặc lúng túng bởi công nghệ.

- Độ tuổi này rất dễ lo lắng và tổn thương, đặc biệt là lo lắng khi bị tách khỏi người lớn, người chăm sóc. Các con dễ cảm thấy bất an khi không có được sự chú ý từ thầy cô hoặc cha mẹ. Khi đó, con sẽ không thể tiếp thu kiến thức.

- Bước vào lớp 1, mỗi em có thể có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Giáo viên cần được cha mẹ hỗ trợ để đánh giá được đúng và sớm để có cách thức can thiệp. Nếu không, các em sẽ bị bỏ lại phía sau và không thể theo được khi học trực tuyến.

kho-khan-hoc-truc-tuyen2.png
Cha mẹ và giáo viên cần hiểu tâm lý trẻ. Ảnh minh hoạ.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, yếu tố gây căng thẳng và giảm động cơ hứng thú học tập là trẻ bị tách khỏi môi trường thầy cô, bạn bè khi học trực tuyến. Từ đó, thiếu trải nghiệm giác quan ở trường, khiến trẻ khó đặt mình vào tâm thế học tập.

"Đấy là chưa kể những khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất cho các trường học và gia đình. Không đủ điều kiện công nghệ và chi phí để chi trả cho các thiết bị đầu cuối phù hợp cho việc học online. Các con lớp 1 đặc biệt sẽ không thể học bằng màn hình điện thoại vì khó nhìn, ảnh hưởng đến mắt và không rảnh tay để thực hiện các nhiệm vụ", chuyên gia nhấn mạnh.

Do đó, để có thể dạy học trực tuyến hiệu quả, theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ, những khó khăn khi các con học trực tuyến. Đồng thời, có những chiến lược phối hợp giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ. Từ đó, giúp con vượt qua trở ngại tâm lý để sẵn sàng cho việc học trực tuyến.

Bài liên quan
Hà Nội tổ chức học trực tuyến từ ngày 6/9
(GDTD) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngày 6/9, các đơn vị, trường học chính thức bước vào chương trình học tập học kỳ I năm học 2021-2022 theo kế hoạch bằng hình thức trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 khó khăn trẻ lớp 1 phải "đương đầu" khi học trực tuyến