Áp lực bủa vây nhà giáo

25/06/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghề giáo chịu nhiều áp lực từ đòi hỏi đổi mới sáng tạo với nghề, sự kỳ vọng của phụ huynh, gánh nặng mưu sinh...

Con số hơn 16.000 giáo viên trên cả nước bỏ việc trong năm 2022 (bình quân cứ 100 giáo viên thì có một người bỏ việc) là minh chứng rõ nhất cho hệ quả của những áp lực trên.

Mong mỏi từ phụ huynh, học sinh

Với truyền thống tôn sư trọng đạo, nghề giáo từ xưa đến nay luôn được xã hội quan tâm và tôn kính. Thực tế, các thầy, cô giáo luôn nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được. Đó là những khoảnh khắc được chứng kiến học trò mình lớn khôn, thành đạt; được phụ huynh, học trò tri ân trong các ngày lễ như 20/11, 8/3, Tết Âm lịch… Nhà giáo được đón nhận tình cảm từ những nụ cười tươi tắn nhất, tấm lòng biết ơn chân thành và tôn kính từ phụ huynh, học trò.

Cách đây mười năm, có một cậu học trò, học tôi năm lớp 10, bị ở lại lớp. Rồi sau, em bỏ học, phần vì nhà nghèo, phần vì chán nản. Việc trò bỏ học làm tôi day dứt mãi, cho rằng nếu tôi vớt được em ấy lên lớp 11 thì mọi chuyện đã khác. Em từng làm nhiều nghề, đi xe bò, làm xe ôm, lái xe thuê, cửu vạn, sửa chữa xe đạp, xe máy…

Tôi nhớ những buổi đi dạy về, gần 12 giờ trưa, trời nắng chang chang, gặp em ngồi trên xe bò kéo, với cái nón đội sùm sụp trên đầu gần như muốn tránh mặt, không muốn chào thầy, nhưng tôi còn cúi mặt nhanh hơn vì không thể chịu nổi cảm giác như là ân hận khi nhìn thấy em. Em chưa một lần hỏi thăm tôi. Nhưng tôi thường xuyên hỏi thăm em qua bạn học cũ.

Bất ngờ một hôm, em gọi điện và mời tôi đến thăm nhà. Ngôi nhà 3 tầng mới xây, khang trang, đồ gỗ trong nhà đẹp đẽ. Ngôi nhà của hai vợ chồng trẻ, cùng 2 đứa con. Em nắm tay tôi và khóc: “Thầy đã đến! Thầy đã không quên em! Thế mà em nghĩ mãi mới dám gọi vì chỉ sợ thầy không đến”. Em ấy khóc vì biết “thầy từng nghĩ nhiều đến em, đã hỏi thăm em”. Còn tôi xúc động rưng rưng vì mừng cho hạnh phúc đủ đầy của trò.

Nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc ấy, nghề giáo cũng đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn đến từ xã hội, mà trước hết là phía phụ huynh, học sinh. Nghề giáo là nghề phải gánh vác nặng nề, như phụ huynh luôn nói “trăm sự nhờ thầy cô ạ!”. Câu nói cửa miệng ấy cho thấy kỳ vọng lớn lao của cha mẹ học sinh đối với thầy cô.

Giáo viên cứ ngỡ mình chỉ gánh vác “sự học kiến thức” là đã quá nặng nề rồi. Vậy mà, còn thêm “99 sự nữa”. “Gánh” ấy còn “nặng” thêm nữa, bởi thầy, cô giáo kiêm luôn quan tòa, phân xử mọi chuyện ở lớp cho công bằng. Đó có thể là những hờn giận trẻ con, phân công vệ sinh trực nhật…, thậm chí cả “vì sao bố mẹ em lại cãi nhau hả cô?”.

Học sinh trong thời đại 4.0 cũng vô cùng phức tạp. Chúng bị ảnh hưởng của thế giới mạng với các trào lưu (phần lớn không lành mạnh). Chúng bị kích động bạo lực bởi phim ảnh. Chúng có thể không làm chủ được bản thân, bị nhiều cái xấu lôi kéo… Giáo dục học sinh tránh khỏi những cám dỗ ngoài xã hội trong cuộc sống hiện thời là trách nhiệm của mọi thầy, cô giáo. Đó thực sự là thách thức mang tính thế hệ đối với các nhà giáo, đặc biệt với cô thầy yêu nghề, có trách nhiệm cao với nghề.

Một đồng nghiệp làm công tác chủ nhiệm tâm sự, có bận phải kiêm cảnh sát điều tra vụ mất cắp tiền của học sinh. Khi tìm được thủ phạm thì bị phụ huynh gặp riêng và bảo “Nhà thầy có lẽ kinh tế thiếu thốn à?”. Có khi, học sinh mắc lỗi, thầy cô gọi điện tìm cách phối hợp với gia đình để giáo dục thì gặp phải ông bố trong tình trạng say xỉn và thế là bị phụ huynh văng tục, chửi thề luôn.

Cách đây mấy năm, tôi làm công tác chủ nhiệm, có một học sinh vốn học giỏi bỗng nhiên nghỉ học cả tuần không lý do. Hỏi các bạn trong lớp, không ai biết. Gọi điện cho phụ huynh cũng không liên lạc được. Hỏi đường tìm đến nhà thì bị một bác gần đó ngăn lại. Bác bảo, thầy đừng có vào nhà, bố em ấy bị… ngáo đá nên sẵn sàng cầm dao rượt đuổi bất cứ ai. Bố bắt bỏ học, em không đồng ý nên bị bố đuổi đánh.

Mẹ đi xuất khẩu lao động nên nghe đâu, em phải trốn về bên ngoại. Không thể để em ấy bỏ học giữa chừng như cậu học trò cũ năm xưa, tôi đã tìm đến nhà bà ngoại của em để thuyết phục, động viên em trở lại trường. Và thật hạnh phúc, em đã đồng ý trở lại trường học tiếp. Nhưng cũng vì thế, tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi đe dọa từ người bố…

Thực trạng nữa, phụ huynh luôn kỳ vọng quá lớn ở con em của mình. Kỳ vọng cả học lực lẫn hạnh kiểm. Chúng ta dễ bắt gặp câu chuyện kiểu như phụ huynh nói xấu, xúc phạm giáo viên vì con… không được giấy khen hay hành hung giáo viên vì thầy cô phê bình học sinh khi mắc lỗi. Hay gần đây nhất, tại tỉnh Đắk Nông, một phụ huynh (cũng là giáo viên) xông vào nhà đánh cô giáo chỉ vì con bị… hạnh kiểm trung bình.

Áp lực bủa vây nhà giáo ảnh 1

Cô và trò Trường THCS Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lâm

Áp lực từ đặc thù nghề nghiệp

Khách quan thì mọi ngành nghề đều có tính đặc thù chứ không riêng gì nghề giáo. Nhưng nghề giáo có lẽ là một trong những nghề mà tính đặc thù lại tạo ra áp lực nhiều nhất cho người theo nghề. Nhà văn Trần Nhã Thụy từng chia sẻ, có hai nghề anh không dám thử sức là nghề giáo và nghề viết phê bình. Nghề giáo với đặc thù lên lớp vào buổi ngày và soạn giáo án vào buổi tối. Do đó, thời gian dành cho nghỉ ngơi, gia đình rất hiếm.

Nghề giáo luôn đòi hỏi người dạy phải học tập không ngừng để kịp nắm bắt, tiếp thu các kiến thức mới. Có được kiến thức rồi, giáo viên lại phải tự tìm tòi, thể nghiệm phương pháp dạy học phù hợp để truyền đạt đến học trò một cách hiệu quả nhất.

John Steinbeck từng nói “Một thầy giáo tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần”. Không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, giáo viên còn có nhiệm vụ giáo dục học sinh “nên người”, nghĩa là giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho học trò.

Điều này đòi hỏi nhà giáo phải luôn nêu gương và mẫu mực về mọi mặt để học trò noi theo. Cách ứng xử với học trò, phụ huynh cũng phải nhẹ nhàng, tinh tế. Đây cũng là áp lực với nhiều giáo viên, nhất là người mới ra trường còn ít kinh nghiệm hay những nhà giáo có tính cách nóng nảy.

Xã hội muốn phát triển thì không ngừng phải đổi mới, nhất là ở lĩnh vực giáo dục. Nhưng chính sự tiên phong trong việc đổi mới, sáng tạo cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho đội ngũ giáo viên, nhất là thầy cô đã lớn tuổi.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng đến mục tiêu hình thành phẩm chất, kỹ năng cho người học. Từ đó, đòi hỏi người thầy từ bỏ nhiều thói quen mang tính truyền thống, phải linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp lên lớp cũng như biết áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Đây cũng là thách thức, thậm chí áp lực đối với thầy cô chưa sẵn sàng thay đổi.

Nặng gánh “cơm áo gạo tiền”

Có một nghịch lý, bên xứ Hàn, xứ Đài nghề sư phạm đang được nhiều học sinh giỏi ao ước nhưng ở xứ ta thì có không ít trường hợp thầy giáo lại bỏ nghề sang Hàn Quốc lao động để có thu nhập cao hơn. Mới đây nhất, hai thầy giáo ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cùng xin nghỉ phép với lý do đi khám bệnh nhưng thực tế là sang Hàn Quốc tìm việc mới. Có thể, họ vẫn còn yêu nghề nhưng vì gánh nặng mưu sinh nên mới từ bỏ công việc mình yêu thích.

Không biết từ bao giờ, trong dân gian đã lưu truyền câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Và thực tế hiện nay, đầu vào của sinh viên sư phạm khá thấp, bởi những học sinh giỏi đều lựa chọn cho mình những ngành nghề có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Ngoài ra, cơ hội tìm việc làm của một sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cũng không dễ dàng.

Thu nhập thấp, đồng lương “còm cõi” chưa đáp ứng được cuộc sống cho đại đa số giáo viên là một áp lực lớn - áp lực mang tên “cơm áo gạo tiền”. Giáo viên chưa sống được bằng lương của mình thì phải làm thêm để trang trải cuộc sống, lo cho con em bằng bạn, bằng bè. Bởi họ có thể sống thanh cao nhưng con trẻ đi học thì luôn luôn cần tiền.

Do đó, dù công việc trường lớp bận rộn nhưng phần lớn thầy cô đều phải tìm thêm nghề… “tay trái” để có thêm thu nhập. Việc phổ biến của một bộ phận giáo viên hiện nay là dạy thêm nhưng dạy thêm thì cũng chỉ có giáo viên một số môn như Toán, Anh… mới có học trò học thêm. Hơn nữa, học thêm chủ yếu ở thành thị, khu vực có điều kiện. Giáo viên vùng khó muốn dạy thêm cũng không dễ có học trò, thậm chí dạy phụ đạo miễn phí mà trò còn không muốn học thì nói gì đến chuyện dạy thêm.

Nhiều đồng nghiệp của tôi làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi, bán hàng online, mở cửa hàng tạp hóa, quét dọn trong bệnh viện, đi vẽ cho các quán cà phê, đi hát đám cưới, viết báo… Và, những đồng tiền của họ kiếm được phải đổi bằng mồ hôi, công sức, sự vất vả và tất nhiên họ phải cố gắng nhiều hơn để đảm bảo được công việc đứng lớp hàng ngày.

Bao giờ giáo viên sống thanh thản bằng đồng lương của mình - nhất là những giáo viên trẻ, công tác xa quê vẫn là câu hỏi khó trả lời nhất trong hàng chục năm qua. Chừng nào bài toán về cải cách tiền lương cho giáo viên chưa được giải quyết thì áp lực về “cơm áo gạo tiền” vẫn sẽ đè nặng lên đôi vai của người thầy.

Tôi nghĩ nghề nào cũng chịu áp lực, chủ quan từ chính trong nghề, khách quan từ tác động xã hội trên cả hai mặt tiêu cực và tích cực. Nghề giáo chịu nhiều áp lực nhất vì đối tượng lao động là con trẻ, biết học, biết chơi, biết cãi, thậm chí thầy, cô giáo chưa nói xong đã cãi xong. Nghề giáo là nghề có tác động tới mọi ngành nghề, đối tượng trong xã hội, nên sự phức tạp càng tăng gấp bội. Nhưng trong áp lực ấy, những ai đã, đang gắn bó với nghề đều hiểu rằng, nghề giáo luôn đem đến niềm hạnh phúc mà bất kỳ nghề nào cũng không thể có được - niềm vui khi chứng kiến trò trưởng thành giúp cô thầy luôn trẻ trung và vượt qua mọi khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực bủa vây nhà giáo