Không bắt buộc thi, áp lực với giáo viên
Nhiều giáo viên tại các tỉnh thành bày tỏ băn khoăn rằng, khi ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn có ảnh hưởng tới việc dạy và học môn học này, vì tâm lý chung vẫn là thi sao sẽ học vậy.
Trong nhiều năm qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, và cả nhà hoạch định chính đặc biệt quan tâm tới những rào cản mà học sinh Việt Nam đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp học sinh Việt Nam có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. |
Theo GS Hoàng Văn Vân, ĐH Quốc gia Hà Nội, chính sách sẽ tác động trực tiếp việc dạy học ngoại ngữ. Đề cập việc ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS Vân nêu dự đoán sẽ chỉ có khoảng dưới 20% học sinh chọn môn này để thi.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, việc ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nữa sẽ tạo cơ hội giảm áp lực cho người học và người dạy, các em được học môn học đó theo đúng sở thích, năng lực của mình, giáo viên dành nhiều thời gian để phát triển năng lực toàn diện, học để sử dụng, giao tiếp của môn ngoại ngữ.
TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng Ban quản lí đề án ngoại ngữ Quốc gia khẳng định, không bắt buộc thi môn ngoại ngữ có những tác động tích cực, trong đó đi theo xu hướng chung trên thế giới là tăng cường đánh giá vì mục tiêu học tập.
Việc triển khai thi trên diện rộng (như kì thi tốt nghiệp THPT) khó có thể kiểm tra được đầy đủ 4 kĩ năng của môn học ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết) nên đánh giá năng lực của người học khó khăn. Nhưng ở lớp, ở trường với quy mô nhỏ thì hoàn toàn có thể thực hiện đánh giá được toàn diện năng lực của người học. Hơn nữa, yêu cầu của chương trình là người học phải đạt được chuẩn đầu ra theo quy định. Do đó, việc có thi tốt nghiệp bắt buộc hay không, bà Hữu khẳng định không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả của việc dạy và học môn học này.