Bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo - làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Hải Minh | 16/06/2022, 14:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều cơ sở GD phổ thông đưa ra “combo” sách giáo khoa và sách tham khảo để phụ huynh lựa chọn, đặt mua. Điều này dẫn đến tình trạng hiểu lầm tài liệu tham khảo là ấn phẩm bắt buộc, đẩy chi phí mua SGK lên cao.

Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tham khảo, nghiên cứu sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa: TGGiáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tham khảo, nghiên cứu sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa: TG

Cần công khai danh mục sách giáo khoa

Nhiều phụ huynh của một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phản ánh, nhà trường gửi danh sách sách giáo khoa và sách tham khảo để phụ huynh đăng ký mua. Một phụ huynh có con học lớp 4 của trường cho biết: Dù không yêu cầu bắt buộc phải mua “trọn bộ combo” với 20 đầu sách, nhưng phụ huynh cũng rối bời khi tiếp cận giấy thông báo mua sách của nhà trường.

Tương tự, Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cũng gửi thông báo tới phụ huynh về danh mục các loại sách. Đơn cử, phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 4 nhận được thông báo về việc đặt mua sách gồm 17 cuốn sách, với tổng số tiền 235.000 đồng. Đáng chú ý, trong tờ thông báo của nhà trường chỉ ghi thông tin chung là “sách”, không phân định rõ sách tham khảo, sách giáo khoa nên nhiều người không biết để lựa chọn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh, cô Lê Thị Thủy cho hay: Nhà trường có gửi thông báo nhưng phụ huynh có thể đăng ký mua hoặc không mua sách với giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh có thể đăng ký mua một hoặc một số quyển (tùy theo nhu cầu) không nhất thiết phải mua tất cả đầu sách. “Chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên hướng dẫn phụ huynh phân biệt sách giáo khoa và sách tham khảo để phụ huynh có lựa chọn phù hợp” – cô Thủy trao đổi.

Để chấn chỉnh tình trạng nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu hiệu trưởng các trường thông báo công khai, minh bạch danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, phụ huynh. Sở cũng yêu cầu đơn vị không được bắt buộc hoặc gợi ý học sinh phải mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo, vở và học liệu khác.

Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) - cho biết: Phòng đã hướng dẫn, quán triệt các trường tiểu học, THCS trên địa bàn không được bắt buộc học sinh mua thêm sách, tài liệu tham khảo ngoài sách giáo khoa. Theo đó, nhà trường phải giới thiệu để phụ huynh phân biệt được đâu là sách giáo khoa bắt buộc phải có để học sinh học tập. Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn cũng đề nghị cơ sở GD tuyên truyền để phụ huynh hiểu: Với những loại sách không bắt buộc, chỉ có tính chất tham khảo thì học sinh không cần thiết phải mua.

Giấy thông báo giới thiệu các đầu sách của Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội).

Sách tham khảo chỉ phù hợp với giáo viên

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, khi phát biểu thảo luận tại hội trường, ông Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định - cho rằng, sách tham khảo là nguồn lợi rất lớn cho nhà xuất bản. Do đó, cần hạn chế tối đa loại hình sách này; đồng thời nói rõ cho người dân hiểu: Sách tham khảo không cần phải mua.

Theo ông Hiếu, vấn đề đặt ra là nếu trường bán sách tham khảo thì tất cả phụ huynh học sinh sẽ mua để con bằng bạn, bằng bè. Rất nhiều nhà giáo dục cũng chỉ ra rằng, sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho các thầy, cô giáo để phong phú bài giảng của mình. Học sinh tiểu học không cần phải có sách tham khảo và nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.

Ông Thái Văn Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An - chia sẻ, sách giáo khoa là bắt buộc học sinh phải có. Còn sách bổ trợ, tham khảo tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua. Các cơ sở giáo dục cần hướng dẫn phụ huynh phân biệt hai loại sách này. Ngoài ra, để hỗ trợ học sinh có đủ sách giáo khoa, theo ông Thành, ngành Giáo dục Nghệ An đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo đó, tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Cùng với đó, kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng sách; kêu gọi học sinh khóa trước tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học. Khi đó, sách được dùng nhiều lần, tránh lãng phí.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chỉ thị nêu rõ, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sử dụng lại lâu bền.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có việc giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ cũng yêu cầu sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn.

Theo Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Bài liên quan
“Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó
Ngành Giáo dục Lào Cai đã lên kế hoạch “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh để thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo - làm rõ trách nhiệm người đứng đầu