Bảo đảm quyền lợi cho giáo viên

Minh Phong | 21/05/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01 - 04)có nhiều điểm mới, được đội ngũ gió viên hoan nghênh.

Bộ GD&ĐT đã rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01- 04. Ảnh minh họaBộ GD&ĐT đã rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01- 04. Ảnh minh họa

Giáo viên đồng thuận

Tán thành với dự thảo Thông tư trên, cô Nguyễn Thị Duyên –Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) - bày tỏ tâm đắc với những điểm mới; trong đó có việc bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Theo cô Duyên, Thông tư 01 - 04 quy định, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng và tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Quy định này khiến nhiều giáo viên phải “chạy đôn, chạy đáo” để có được chứng chỉ cho đủ hồ sơ, xong rồi lại cất tủ nên rất lãng phí.

“Việc Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, giúp giải phóng được những áp lực vô hình từ những “giấy phép con”. Vì thế, tôi hoan nghênh đề xuất này của Bộ” – cô Duyên bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: Thay vì đi học các chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, thời gian đó giáo viên sẽ nghiên cứu tài liệu, tự học để bổ trợ cho bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn.

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Hồng Duy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) - cho rằng: Quy định trên rất hợp tình, hợp lý và phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên. Thực tế cho thấy, thời gian qua các chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên không phát huy được giá trị và không bổ trợ nhiều cho chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí còn mang tính hình thức.

Hơn nữa, tất cả giáo viên đều được đào tạo bài bản trong trường sư phạm. Vì thế, việc chỉ quy định 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên là phù hợp, tránh những áp lực không đáng có cho giáo viên.

“Tuy nhiên, với giáo viên mới tuyển vẫn cần tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ nhằm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định” – thầy Duy đề xuất, đồng thời tán thành với việc bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp. Song, nếu bỏ quy định trên thì vẫn nên giữ lại một số từ khóa quan trọng như gương mẫu, mẫu mực, phẩm chất, uy tín nhà giáo… nhằm lan tỏa truyền thống “tôn sư trọng đạo” và nét đẹp văn hóa học đường.

Liên quan đến đề xuất, bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp, cô Trần Thị Mỹ Hoa – Trường Tiểu học Vĩnh An (Tây Sơn, Bình Định) - cho rằng, khi đã trở thành giáo viên, ngoài yếu tố chuyên môn, giáo sinh cũng được trang bị đầy đủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Cho nên không cần thiết quy định “cứng” trong văn bản về việc này.

Thứ nữa, đây là vấn đề khó có thể định lượng nên rất khó để “cân đong, đo đếm”. “Vì thế, tôi tán thành với việc bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp”, cô Mỹ Hoa nhấn mạnh.

Cô Trần Thị Mỹ Hoa (ngoài cùng bên phải) trong một lớp tập huấn, bồi dưỡng do Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức. Ảnh: NVCC

Tháo gỡ khó khăn

Trao đổi về những điểm mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 - 04, đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay: Theo quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp tại Thông tư 01 - 04, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng và tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Nội dung này bảo đảm thực hiện theo quy định chung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các ngành, lĩnh vực tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: Mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần. Như vậy, từ ngày 10/12/2021, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng tại các Thông tư 01 - 04 không còn phù hợp.

Do đó, Bộ GD&ĐT đang rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 - 04. Trong đó, sẽ điều chỉnh các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Cụ thể như sau: Chỉ quy định 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên. Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.

Tuy nhiên, giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Khi chuyển từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngoài ra, để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (đã được thay thế bởi Thông tư 01 - 04), Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở các hạng.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01 - 04 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Dự thảo có nhiều điểm mới, nhằm tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương tại địa phương trong thời gian qua.
Bài liên quan
Lấy nền tảng văn hóa thúc đẩy khởi nghiệp
Chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm quyền lợi cho giáo viên