Bạo lực học đường và những cái chết oan uổng

28/04/2023, 01:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 2 tuần sau vụ nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường, trên các diễn đàn, trang báo vẫn còn nhiều bàn luận về những cái chết đầy oan uổng.

Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ.

Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên.

Ngoài ra, theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Các vụ tự tử ở Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, tỉ lệ nữ sinh có xu hướng tự tử cao gấp 3 lần so với nam sinh. Đây được xem là tỉ lệ chênh lệch khá cao so với các nước trên thế giới.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, vấn đề tự tử của học sinh thời gian gần đây tăng lên như một hiện tượng đang bị lây lan.

Theo các nhà tâm lý, hiện nay, giới trẻ đứng trước áp lực của cuộc sống, bạn bè, bản thân, học hành thì thường bế tắc. Nhiều em không có cách giải quyết và phải âm thầm chịu đựng, tự tìm cách giải quyết.

“Việc này đã có dấu hiệu của sự lây lan. Vì các con không chia sẻ được với ai và không có kĩ năng giải quyết vấn đề. Hành động của trẻ muốn chấm dứt ngay là tự tử chính là cách các con lựa chọn”- bà Hà nhấn mạnh.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ, trước nay chúng ta quen với những dạng bạo lực hành động: bạo lực thể hiện qua hành vi, lời nói… thường được xem là bạo lực nóng.

“Có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc mà có thể gọi tên là bạo lực lạnh” - ông Nam chỉ ra.

Theo Phó Giáo sư Thành Nam, những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương cả về mặt thể chất những tinh thần. Sau khi bị bạo lực, bị bắt nạt, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái lo lắng, bất an và cầu cứu sự trợ giúp.

Trong khi, theo ông Nam, kẻ bắt nạt luôn tìm cách để làm nạn nhân thêm sợ hãi, nạn nhân lại không được mọi người chung quanh hỗ trợ tâm lý, giúp đỡ một cách triệt để dẫn tới trạng thái tuyệt vọng và chọn cách tự sát.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Tính trung bình có 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường...
Theo (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/bao-luc-hoc-duong-nhung-cai-chet-day-oan-uong-post1529574.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/bao-luc-hoc-duong-nhung-cai-chet-day-oan-uong-post1529574.tpo
Bài liên quan
Bạo lực học đường vẫn đang bị bỏ qua một cách dễ dàng
Đó là chia sẻ của Chuyên gia tâm lý - PGS.TS. Nguyễn Thu Hương - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội khi nói đến hành vi bạo lực học đường gây tổn hại về tinh thần, đó là hành vi bắt nạt bằng lời nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực học đường và những cái chết oan uổng