Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận ít nhất 4 vụ việc bắt giữ hổ ở nhiều địa phương trên cả nước mà lời khai ban đầu của các đối tượng đều cho thấy các con hổ này có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đánh giá: Hiện tượng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép diễn ra trong một thời gian dài tại tỉnh Nghệ An đã gây ảnh hưởng không tốt tới những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hy vọng chính quyền tỉnh Nghệ An và các huyện sẽ giải quyết triệt để vấn đề đã tồn đọng cả thập kỷ này.
Trước đó, ngày 4/8/2021, Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện vụ việc nuôi nhốt hổ trái phép tại nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
Tại nhà ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi), vợ là Hồ Thị Thanh (31 tuổi) và nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi), lực lượng chức năng phát hiện các chủ cơ sở đang nuôi nhốt 17 con hổ Đông Dương trưởng thành. Sau khi bị phát hiện, những con hổ này được tiêm thuốc mê để vận chuyển đến Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, không lâu sau đó, 8 trong tổng số 17con đã chết khi đến nơi ở mới. Sau đó lại có thêm một con hổ chết khi được nuôi dưỡng.
Các đối tượng nuôi nhốt hổ trong vụ việc này cũng được đưa ra xét xử. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và nhận mức án 7 năm tù. Bà Nguyễn Thị Định bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự và nhận mức án 30 tháng tù.