Lý giải về nguyên nhân nhiều bệnh viện quá tải chạy thận không chỉ riêng tại TP.HCM, bác sĩ Thanh nhận định, vấn đề tầm soát bệnh đã phát triển, nên người mắc bệnh được phát hiện nhiều hơn. Các kỹ thuật điều trị suy thận ngày càng tiến bộ, chi phí điều trị giảm đáng kể so với trước đây nên bệnh nhân tiếp cận sớm và được điều trị.
Kế tiếp, tuy lượng bệnh nhân gia tăng nhưng việc xây dựng cơ sở vật chất chạy thận lại gặp rất nhiều trở ngại. Bác sĩ Thanh nêu ví dụ, với một khoa phòng khác, nếu quá tải sẽ kê thêm giường cho bệnh nhân nằm, nhưng với bệnh nhân chạy thận sẽ liên quan đến máy lọc máu, hệ thống màng lọc RO, kho chứa dịch… rất tốn kém. Việc mua sắm cũng phải đáp ứng các quy định chặt chẽ về đấu thầu với kế hoạch lâu dài…
Đáng nói, cơ cấu giá mà bảo hiểm y tế chi trả cho chạy thận vẫn chưa tính đúng, tính đủ, nên không đủ để bệnh viện bù chi phí máy móc, dây chuyền, vận hành… Cho nên bệnh viện càng làm càng bị lỗ. Còn nếu bệnh nhân chạy thận ở cơ sở tư nhân thì nhiều bệnh nhân không chi trả được.
“Tính ra chi phí cho một cuộc lọc máu ở Việt Nam là thấp nhất. Dây lọc máu BHYT chi trả sử dụng lại 6 lần, nhưng các khoa thận nhân tạo đều sử dụng 1 lần, không rửa lại. Các chi phí cho xét nghiệm nước RO định kỳ cũng chưa được cơ cấu vào giá. Mình làm vì thương bệnh nhân hoặc là làm vì đủ dịch vụ kỹ thuật, là sân sâu hỗ trợ cho các đơn vị hồi sức, hoặc là những cái bệnh mà cần phải chạy thận”, bác sĩ Từ Kim Thanh nói.
Đầu tư nguồn lực mở đơn vị chạy thận ở tuyến cơ sở
Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TP.HCM chiếm tỷ lệ gần 20%. Dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.
BS.CKII Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, nhu cầu chạy thận của bệnh nhân ở Bình Chánh và khu vực lân cận là rất lớn, nhưng người dân phải di chuyển xa đến nội thành để lọc máu. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã phê duyệt cho bệnh viện 6 máy chạy thận và đưa vào hoạt động trong cuối quý 2, đầu quý 3 tới. Sẽ có chuyên gia ở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về công tác tại đây.
Về dài hơi, bệnh viện sẽ phát triển từ đơn vị Thận Nhân tạo thành khoa Thận Nhân tạo, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Võ Ngọc Cường nói: “Sẽ có thể là số lượng tăng gấp 3 lần, với khoảng 20 máy chạy thận nhân tạo để phục vụ cho bà con. Có thể 1 ngày từ 2 hoặc 3 ca/máy. Lúc đó mới hy vọng đáp ứng nhu cầu chạy thận nhân tạo của bà con Bình Chánh trước, sau đó mới nghĩ đến việc đón nhận bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây”.
Trước nguy cơ quá tải bệnh nhân chạy thận, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với các bệnh viện đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận, đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các bệnh viện trên địa bàn.
Các chuyên gia kiến nghị cần sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện), giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn.