Tận dụng nguồn nhiên liệu sinh khối
Việt Nam là nước nông nghiệp lâu đời, nguồn nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh khối (NLSK) khoảng 118 triệu tấn/năm. Nếu quy đổi ra dầu sẽ tương đương 80,7 triệu tấn quy dầu, gấp 2 lần tổng lượng khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tiềm năng lớn như vậy nhưng hầu hết các nguồn NLSK của chúng ta vẫn chưa thể tận dụng, lãng phí thậm chí là nguồn gây ô nhiễm môi trường, như việc đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành Hà Nội.
Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng tái tạo của Trung tâm CCS cho biết một số khó khăn của việc nhân rộng mô hình bếp này là nhận thức của cộng đồng về công nghệ khí hóa sinh khối còn hạn chế; thứ hai, hệ sinh thái về sản phẩm này hoàn toàn mới trên thị trường và việc đồng bộ triển khai các bộ phận của hệ sinh thái này trên thực tế gặp nhiều khó khăn. “Tại sao ta không nâng cấp chiếc bếp than tổ ong kia, cũng như cách mà ta đã “lên đời” tivi, tủ lạnh? Quyết định nằm phần lớn ở người dùng nữa, khi mà ta đã tạo ra được một trào lưu bếp hóa sinh khối lan ra khắp nơi, lúc ấy ta sẽ trực tiếp thấy được những lợi ích của nó ảnh hưởng tới toàn quốc như thế nào”, ông Nguyễn Minh Hải cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hải, ngoài sản xuất bếp khí hóa, chúng ta còn có thể tận dụng được nguồn năng lượng sinh khối lớn. Ở khắp các vùng miền trên cả nước đều có số lượng sinh khối được coi là rác thải khổng lồ, chưa được sử dụng đúng cách. Theo nhận định có thể tận dụng sản xuất được 118,5 triệu tấn/năm. Nhiều vùng trên cả nước có thể sản xuất loại vật liệu này, với công suất vài chục cho tới vài trăm tấn/tháng. Đây có thể coi là một giải pháp thiết thực đối với từng người dân nhưng lại có hiệu quả to lớn bảo vệ môi trường không khí ở các thành phố lớn.