Làm “biến mất” vị đắng trong thuốc cho trẻ nhỏ

Bảo Khánh | 13/02/2022, 09:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Dược Hà Nội vừa Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng độc quyền sáng chế cho loại thuốc chữa bệnh đường ruột không đắng, thích hợp dùng cho trẻ nhỏ.

Loại bỏ vị đắng trong thuốc bằng trà, quế

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ đã phải đối diện với đại dịch lỵ, gây thiệt mạng biết bao sinh linh và nguy cơ không kiểm soát được dịch bệnh. Đứng trước tình hình đó, các cán bộ của bộ môn thực vật trường Đại học Y Hà Nội đã đứng ra nhận nhiệm vụ với chính phủ, tìm ra loại thuốc để ngăn chặn đại dịch trên. Đứng đầu là cố GS Phan Quốc Kinh cùng các cán bộ nhân viên của khoa. Sau một thời gian nghiên cứu, hoạt chất berberin đã được tìm ra, được thử nghiệm lâm sàng và cho kết quả điều trị tốt. Hàng nghìn người được cứu sống. Loại thuốc berberin mà thầy phát minh ra đã được ghi vào lịch sử và hiện nay gần như có trong tất cả các tủ thuốc của các gia đình Việt Nam.

Thuốc berberin chữa bệnh đường ruột mà không có tác dụng phụ nên từ lâu được coi là “thần dược” của con người. Berberin là kháng sinh tự nhiên có nhiều ưu điểm, chẳng hạn như có công hiệu nhanh chóng trong điều trị các bệnh đường ruột, không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn đường ruột và giá thành rẻ. Nhưng berberin rất đắng, trẻ nhỏ khó sử dụng, khó uống, thậm chí là dễ nôn trớ.

Trước đây đã có nhiều cách "trị đắng" nhưng các giải pháp chỉ tạm thời khắc phục bằng cách dùng đường ngọt. Các công ty dược phẩm trong nước và trên thế giới đã sản xuất thuốc berberin ở dạng viên bao đường hoặc viên nang để che giấu vị đắng, dễ uống hơn. Tuy thế, thuốc berberin ở các dạng này cần nhiều thời gian để hòa tan lớp vỏ bao và phân rã thuốc, khiến thuốc chậm phát huy tác dụng hơn so với với dạng thông thường. Hơn nữa, các gia đình có trẻ nhỏ thường nghiền thuốc viên thành bột cho trẻ dễ nuốt, dẫn đến mất tác dụng của viên bao đường.

thuoc-ko-dang.jpg

Làm thế nào để berberin trở nên dễ uống hơn với trẻ? DS Nguyễn Trường Giang và cộng sự ở Công ty cổ phần Dược khoa DK Pharma (thuộc trường Đại học Dược Hà Nội) đã nảy ra ý tưởng tạo chế phẩm berberin không đắng ở dạng lỏng và rắn, giúp người sợ đắng và trẻ em dễ sử dụng hơn, từ đó góp phần giảm bớt việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh đường ruột. Trước đây, trên thị trường chỉ có dạng berberin viên nén mà không ai dám nghĩ tới việc sản xuất berbrin ở dạng lỏng, bởi vì làm dạng lỏng không hề khó gì nhưng do berberin có vị quá đắng nên làm ở dạng viên nén sẽ dễ uống hơn dạng lỏng.

Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu dược chất của các loài cây cỏ Việt Nam, dược sĩ Nguyễn Trường Giang và cộng sự đã tìm cách làm cho vị đắng biến mất dựa ngay vào tính chất hóa học của berberin. Sau thời gian dài mày mò, anh và cộng sự phát hiện ra khi kết hợp berberin với các dẫn xuất của tanin – một hợp chất có trong nhiều loại thực vật như trà, quế, có vị chát – theo một tỷ lệ sẽ giảm bớt vị đắng của berberin mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.

Giảm 99,2% vị đắng

Phương pháp này có thể áp dụng với cả berberin dạng rắn và lỏng. Chỉ cần hòa tan tanin với chiết xuất berberin (dạng muối) vào nước theo tỷ lệ khoảng từ 1:2 đến 5:1, sau đó bổ sung thêm tá dược (tùy theo dạng lỏng hoặc viên nén) theo quy trình sản xuất thông thường. "Ngoài ra trong quá trình này, chúng tôi cũng phát hiện việc sử dụng tá dược trương nở (dùng để tạo độ nhớt trong sản xuất thuốc berberin dạng lỏng) theo một tỷ lệ thích hợp cũng góp phần giảm vị đắng của chế phẩm", DS Nguyễn Trường Giang cho biết.

Kết quả thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy berberin dạng lỏng giảm tới 94,5% vị đắng và berberin dạng viên nén giảm đến 99,2% vị đắng so với thông thường. Đồng thời ở dạng lỏng cho tác dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn dạng viên nén. Dược tính của thuốc không thay đổi, nhưng trở nên dễ uống hơn cho trẻ em, dễ hấp thụ hơn, có thể chữa bệnh đường ruột cho trẻ một cách hiệu quả, an toàn và quan trọng là giá thành rất rẻ, lại không có tác dụng phụ như một số thuốc chứa kháng sinh khác. Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy trẻ em rất thích thú khi uống, không cần phải pha thêm đường hay mật ong bởi vị của thuốc khá dễ chịu, có mùi thơm mát.

Nhờ tính sáng tạo cao, quy trình sản xuất chế phẩm berberin không đắng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0022834 công bố ngày 27/01/2020. Thuốc Berberin không đắng đã được DK Pharma bán rộng rãi trong cả nước và nhận được phản hồi rất tích cực của người dùng. Đây được coi là một giải pháp khoa học hữu ích, mang tính sáng tạo cao, dựa trên những nghiên cứu bài bản. Sản phẩm thuốc berberin không đắng đã được đưa ra thị trường với giá thành rẻ, chất lượng ổn định. Việc đăng ký sở hữu độc quyền thành công đã đánh dấu thành tựu nghiên cứu khoa học của thầy trò trường Đại học Dược Hà Nội.

Berberin là loại thuốc có hoạt tính kháng sinh chống viêm. Berberin có nguồn gốc thảo dược. Berberin điều trị nhiễm khuẩn đường ruột và không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột. Một số kháng sinh đường ruột nếu dùng phối hợp với berberin sẽ hạn chế được tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Thuốc Berberin được chỉ định điều trị với hội chứng lỵ, bệnh lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột, viêm ống mật. Berberin còn được bào chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc, đau mắt đỏ do kích thích bên ngoài như (gió, nắng, lạnh, bụi, khói...) và điều trị bệnh đau mắt hột. Ngoài ra, thuốc còn giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm và có tác dụng chống lại tác hại của vi khuẩn tả và E.coli ngoại độc tố bền với nhiệt.

Bài liên quan
Ảo tưởng hút thuốc phòng Covid-19
Một số người cho rằng nicotine trong khói thuốc có thể phòng Covid-19 nên mặc nhiên coi việc hút thuốc như một “giải pháp” phòng bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm “biến mất” vị đắng trong thuốc cho trẻ nhỏ