Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu dùng quang phổ hồng ngoại để tạo thành các phổ đặc biệt. Sau đó phân tích phổ bằng phần mềm chuyên dụng, có thể phát hiện những mẫu giả mạo.
Đầu tiên, nhóm tác giả tạo cơ sở dữ liệu cho mẫu chuẩn từ 216 mẫu gạo thu thập tại các tỉnh Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Sóc Trăng. Trong đó, sử dụng 5 loại gạo được chia làm 3 nhóm giá trị cao (Đài Thơm 08, ST24), trung bình (M5451, OM6976), thấp (IR50404) để phối trộn. Thiết bị quang phổ cận hồng ngoại (NIRS) được sử dụng trong nghiên cứu là SCiO.
Nhóm tập hợp phổ hồng ngoại của các mẫu gạo thu thập được để lấy dữ liệu và các mẫu gạo trộn giá trị cao với giá trị thấp ở các tỷ lệ khác nhau. Sau đó nhóm tiền xử lý phổ bằng các phương pháp (hiệu chuẩn phân tán nhiều lần, biến đổi chuẩn hóa kết hợp đạo hàm bậc 1).
Ngoài ra, nhóm sử dụng phần mềm xử lý số liệu Stat graphic Centurin XV và SIMCA 16 (phân tích phổ). Kết quả cho thấy, nếu phối trộn 5% (mẫu giả) thì phương pháp này phân biệt được một cách chính xác.
Nói về quang phổ hồng ngoại, TS Duy cho biết, ưu điểm của các phương pháp dựa trên các kỹ thuật này là gián tiếp (không phá mẫu), nhanh chóng và không yêu cầu nhân viên lành nghề. Kỹ thuật quang phổ rung động dựa trên sự dao động của liên kết phân tử để phát hiện các nhóm hóa học.
Theo TS Duy, đây là phương pháp không tốn nhiều thời gian, dễ thực hiện với thiết bị đơn giản. Mẫu sau khi thực hiện phân tích phổ không bị mất, cho hiệu quả cao và không phải sử dụng hóa chất.
Nhóm nghiên cứu mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản để phát triển, mở rộng công nghệ này, không chỉ ở lúa gạo mà còn có thể phát hiện giả mạo ở các nông sản khác như cà phê, yến, nước mắm, rượu vang…