Biến không thành có để dạy học Chương trình mới ở vùng khó

Hà Linh | 28/02/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xuất phát điểm gần như bằng không, song cả thầy và trò ở nhiều trường thuộc vùng khó Điện Biên đang nỗ lực để dạy học hiệu quả chương trình mới.

Nỗ lực “xóa 0"...

Do không có giáo viên dạy Tin học nên thầy Huy trực tiếp phụ trách bộ môn này ở cả 3 lớp 3. Để thực hiện nhiệm vụ, hè năm trước thầy Huy đã tham gia lớp tập huấn ngắn hạn do ngành tổ chức. Thời gian tập huấn ngắn, nên kiến thức lĩnh hội chỉ đảm bảo cơ bản các yêu cầu tối thiểu của bộ môn.

Do là lãnh đạo nên số tiết thầy Huy phải đứng lớp vượt gấp nhiều lần định mức. Tuy nhiên, theo thầy Huy thì vướng mắc lớn nhất là ở trang thiết bị học tập. “Ban đầu triển khai chúng tôi vô cùng lo lắng do không có phòng máy đảm bảo. Môn khác thì có thể học chay chứ Tin thì không thể”, thầy Huy nói.

Biến không thành có để dạy học Chương trình mới ở vùng khó ảnh 3

Giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông rèn luyện kỹ năng viết cho học sinh.

Cùng với sự quan tâm của ngành, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội từ thiện thông qua hoạt động kêu gọi xã hội hóa, nhà trường đã được bố trí 1 phòng Tin học với 24 máy. Trên thực tế, với số máy này chưa thể đáp ứng yêu cầu do phải tổ chức 2 em dùng chung 1 máy. Tuy nhiên, theo thầy Huy, trong bối cảnh khó khăn chung thì đây đã là nỗ lực rất lớn.

Thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, thông qua các nguồn lực đầu tư và chương trình xã hội hóa, hiện nay toàn ngành đã bố trí được 22 phòng máy với 205 máy tính. Trong đó, cấp Tiểu học có 11 phòng. Ngoài ra, có hơn 700 máy tính bảng từ Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Cơ bản đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học Tiếng Anh và Tin học.

Mặc dù nằm ngay trung tâm huyện, song Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông cũng gặp nhiều vướng mắc tương tự. Riêng về nhân lực, do chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh, Tin học, nên giáo viên phải thực hiện số tiết/tuần vượt quá quy định.

“Để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, nhà trường không tổ chức dạy làm quen cho học sinh lớp 1, 2 mà tập trung toàn bộ cho chương trình lớp 3 bắt buộc. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường cũng không giao thêm nhiệm vụ nào cho giáo viên các môn này”, cô Nguyễn Thị Minh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Ngoài ra, theo cô Khánh chia sẻ thì hiện nay nhà trường chưa thể bố trí phòng học Tiếng Anh đúng chuẩn. Do cơ sở vật chất xây dựng theo mô hình cũ, nên mỗi lớp học cũng không đảm bảo về không gian. Để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh, giáo viên bộ môn phải linh hoạt, sáng tạo rất nhiều. “Ngoài việc tự tham khảo, rèn luyện kỹ năng giảng dạy thì giáo viên phải tìm tòi, bổ sung đa dạng học liệu từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ mỗi bài dạy”, cô Khánh nói.

Còn theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông, hiện nay trên địa bàn có 6 đơn vị phải tổ chức dạy học liên trường, liên xã đối với môn Tiếng Anh. Đây là giải pháp tạm thời, nhằm “lấy chỗ đủ bù chỗ thiếu”. “Nhờ vậy mà cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên chung, xóa không về nhân lực cho năm học này. Còn năm học sau thì chưa biết lấy nguồn ở đâu”, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông cho hay.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bien-khong-thanh-co-de-day-hoc-chuong-trinh-moi-o-vung-kho-post627750.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bien-khong-thanh-co-de-day-hoc-chuong-trinh-moi-o-vung-kho-post627750.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến không thành có để dạy học Chương trình mới ở vùng khó