Bộ GD&ĐT định sửa hàng loạt quy trình, tiêu chuẩn biên soạn Sách giáo khoa

PV | 19/08/2021, 14:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ siết chặt hơn khâu thực nghiệm sách giáo khoa, đồng thời nâng tiêu chuẩn người biên soạn và thẩm định sách.

Theo đó, tiêu chuẩn “được một nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định đảm nhận tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK; phối hợp tổ chức thực nghiệm và đề nghị thẩm định SGK”, được thay bằng “Có đội ngũ biên tập viên đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Luật xuất bản hoặc được một nhà xuất bản thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản SGK phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản đảm nhận tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu; phối hợp tổ chức thực nghiệm và đề nghị thẩm định sách”.

Kéo theo đó, việc đề nghị thẩm định sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thông qua nhà xuất bản. Thay vào đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 18 thành: “Đơn vị đề nghị thẩm định SGK là tổ chức, cá nhân biên soạn sách đáp ứng tiêu chuẩn quy định; có bản mẫu SGK được tổ chức biên soạn, chỉnh sửa theo quy định; hằng năm đăng kí số lượng, tên bản mẫu SGK đề nghị thẩm định về Bộ GD-ĐT trước ngày 1/11 năm trước năm thẩm định”.

Nâng tiêu chuẩn cá nhân biên soạn và thẩm định SGK

Dự thảo đã siết chặt hơn ở tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK (về thời gian trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với SGK môn học).

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 11 thành: “Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên với chuyên môn phù hợp; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với SGK môn học, hoạt động giáo dục được biên soạn. Riêng SGK các môn học tiếng dân tộc thiểu số, người biên soạn sách có trình độ từ trung cấp trở lên, am hiểu về tiếng dân tộc thiểu số của sách được biên soạn”.

Cùng đó, tiêu chuẩn thành viên hội đồng quốc gia thẩm định SGK cũng được nâng lên; Cụ thể, khoản 2, khoản 3 Điều 13 sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định. Riêng đối với SGK tiếng dân tộc thiểu số, thành viên Hội đồng có trình độ từ trung cấp trở lên.

3. Đã từng tham gia một trong các công việc sau: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn, thẩm định SGK, có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp với môn học và hoạt động giáo dục có SGK được thẩm định hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp dạy môn học có nội dung phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách được thẩm định”.

Bộ GD-ĐT định sửa hàng loạt quy trình, tiêu chuẩn biên soạn Sách giáo khoa
Ảnh minh họa.

Hồ sơ đề nghị thẩm định SGK cũng được yêu cầu chặt chẽ hơn.

Cụ thể, việc thuyết minh về bản mẫu SGK đề nghị thẩm định không chỉ gồm tên SGK; tên tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu có); mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; quá trình, kết quả thực nghiệm như ở điểm c khoản 1 Điều 17 thông tư trước đây; dự thảo lần này có yêu cầu có thêm việc “tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu SGK của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên; các thông tin liên quan khác (nếu có)”.

Ngoài ra, theo dự thảo này, đơn vị tổ chức thẩm định sách giáo khoa sẽ không còn mặc định là Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) mà được điều chỉnh thành “là đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và do Bộ trưởng phân công”.

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý của dư luận cho dự thảo này đến hết ngày 2/10/2021.

Bài liên quan
NXB Giáo dục Việt Nam phản hồi về lỗi sai trong sách giáo khoa lớp 6
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết tiếp tục trao đổi, rà soát thông tin về sai sót ở cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT định sửa hàng loạt quy trình, tiêu chuẩn biên soạn Sách giáo khoa