Ngày 8/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: Luật Nhà giáo đang đi đến giai đoạn nước rút để trình Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát chặt chẽ, có phân tích kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến chính sách. Trong đó, ngoài những vấn đề về phía cơ quan soạn thảo đã đặt ra, từ góc độ cơ quan thẩm tra, có hai vấn đề lớn cần phải cho ý kiến nhiều hơn nữa, đó là giải quyết xung đột pháp luật khi ban hành Luật Nhà giáo với những quy định của luật pháp hiện hành có liên quan và phải làm sao những chính sách được quy định trong Luật Nhà giáo đảm bảo tính hợp lý, khả thi.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Luật Nhà giáo đang được các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội ủng hộ. Chính vì vậy, những chính sách được quy định tại Luật Nhà giáo phải mang tính đột phá, đề cập và giải quyết các vấn đề vướng mắc, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của đội ngũ nhà giáo.
Nhất trí cao với những chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Thị Phú chia sẻ: Quân đội đã nhiều lần cho ý kiến trực tiếp và bằng văn bản bày tỏ nhất trí cao với việc ban hành Luật Nhà giáo. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội có tính đặc thù ngành nghề. Những nhà giáo trong Quân đội cần tuân thủ những quy định đối với quân nhân, đồng thời cũng thực hiện những quy định liên quan đến nhà giáo nói chung. Vì vậy, cần sớm có dự thảo Nghị định quy định cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội để cấp quản lý thực hiện thuận lợi hơn khi Luật Nhà giáo được ban hành.
Đại diện cho các nhà giáo trong hệ thống đào tạo lý luận chính trị, đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần có định nghĩa xác đáng, bao quát, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng nhà giáo này.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo là công việc mới, khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nghiên cứu, rà soát cụ thể, nhiều bước và có đánh giá về mặt tài chính. Để việc ban hành Luật Nhà giáo đảm bảo khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý cần phân định rõ các nguồn lực đảm bảo thực hiện, trong đó có những đánh giá sâu rộng về tác động của tài chính.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn và ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan đã đồng hành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo Luật Nhà giáo để xây dựng, góp ý, từng bước hoàn thiện dự thảo. Thứ trưởng mong rằng, các bộ, cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, góp ý, hoàn thiện hơn về các điều khoản, chính sách được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo trước khi trình Quốc hội trong thời gian tới.