Buộc tiền dẫn lối ước mơ Đại học

Đăng Chung | 01/10/2021, 15:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhà Lý Văn Hoan rất nghèo. Hoan tin có thể "đánh bại" cái nghèo bằng sức trẻ. Nhưng ám ảnh lớn nhất trong chàng trai vừa tròn 18 ấy là không đỗ Đại học để xoá nghèo bền vững!

avta.jpg
anh-1.jpg
anh-2.jpg

Ngôi nhà của Hoan nằm trong con ngõ nhỏ thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoại trừ những tấm giấy khen treo trên tường ghi dấu năm tháng vươn lên nghịch cảnh của Hoan.

Hoan không may mắn như bạn bè đồng trang lứa. Ngày Hoan mới lọt lòng, mẹ em thường xuyên đau ốm, không có việc làm ổn định. Mọi gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai người chồng. Nhưng bị kịch ập đến khi vụ tai nạn lao động đã cướp đi bàn tay của bố Hoan khi em mới 3 tuổi. Người cha từ đó chỉ có thể loanh quanh trong nhà làm những việc nhẹ nhàng.

Mẹ Hoan bán chút sức tàn qua ngày nuôi Hoan và em gái lớp 2 ăn học. Trong gia cảnh chạy ăn từng bữa ấy, Lý Văn Hoan luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Những năm tháng học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lục Ngạn, hễ có thời gian rảnh, nghỉ hè, Hoan lại đi làm thuê, tích tiền nuôi ước mơ đại học.

hoan-2.jpg
Ngôi nhà nhỏ của Hoan phía sau đoàn từ thiện đến hỗ trợ gia đình em vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp cũng là lúc tròn 18 tuổi, Hoan vào làm công nhân ở Công ty Lian Tech - Khu công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư (huyện Yên Dũng, Bắc Giang).

Hoan cho biết, em đã làm việc hơn 1 tháng. Dù nhớ nhà nhưng chưa dám nghỉ ngày nào để về. Hoan kể: "Em làm tăng ca từ 8h sáng cho đến 20h hàng ngày. Công việc vất vả. Nhưng vì tiền đóng học phí, mua thuốc cho mẹ, nuôi em gái tới trường nên em không dám từ bỏ. Cũng may, công ty có cơm trưa, cơm chiều, đêm về ngủ nhờ nhà chị nên tiết kiệm được ít tiền…”.

Chìa ra những tờ tiền màu xanh còn mới nguyên, Hoan kể đây là số tiền nhiều nhất của em từ bé tới giờ. Những tờ tiền được em buộc gọn lại, cất kĩ để chuẩn bị cho ước mơ học đại học.

anh-3.jpg

Cô Nguyễn Thị Thúy - GV dạy Ngữ văn (Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lục Ngạn) cho biết, không quá bất ngờ với kết quả thủ khoa khối C00 của Hoan (26,75: Văn: 8.0, Sử: 9.25, Địa: 9.5) tại Trung tâm. Bởi quá trình học tập, Hoan đã chăm chỉ và cố gắng rất nhiều.

"Hoan có hoàn cảnh đặc biệt khó khan. Gia đình là hộ cận nghèo. Bố mất một bàn tay. Mẹ thường xuyên đau ốm, công việc bấp bênh. Nhưng Hoan đã vượt lên sự tự ti của một học sinh học nghèo, vượt lên chính bản thân mình để đạt thành tích cao trong học tập...", cô Thúy xúc động nói.

hoan-3.jpg
Lý Văn Hoan đi bầu cử trong khu cách ly phòng dịch Covid-19.

Cô Thúy cũng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua Hoan thuộc diện F1 phải đi cách ly và rất vất vả trong việc ôn tập.

"Hoan đã vượt qua mọi gian nan để đạt được ước mơ của mình là đỗ đại học. Hoan đã khẳng định, dù học ở đâu, xuất phát điểm ban đầu thấp nhưng chỉ cần có ý chí vươn lên, mục tiêu rõ ràng thì nhất định sẽ thành công...", cô Thúy bày tỏ.

"Kỷ niệm sâu sắc nhất của cô trò chúng tôi đó là đợt cách lý tập trung 23 ngày sau khi một bạn trong lớp bị dương tính với Covid-19. Gác lại những lo âu, mệt mỏi, những bồn chồn sau mỗi đợt lấy mẫu xét nghiệm, vượt qua những ngày hè oi nóng trong căn phòng cách ly hướng tây có ngày nhiệt độ phòng lên tới 39 độ, Hoan vẫn đặt nhiệm vụ học tập lên trên hết. Hoan miệt mài ôn tập, làm văn và ngày nào cũng luyện đề, gửi vở bài tập.

Có buổi làm đề Văn dài 15, 17 trang giấy gửi sang phòng tôi nhờ chữa bài. Trong một lần, tôi có tâm sự với Hoan, em nói với tôi rằng: Em chẳng sợ gì chỉ sợ không đỗ đại học…", cô Thúy kể lại.

anh-4.jpg

Khoe kết quả trúng tuyển của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trên tay, Hoan nói về những dự định tương lai: “Ngày còn nhỏ em từng tự ti vì hoàn cảnh gia đình. Nhưng khi lớn lên, chứng kiến những cơ cực của bố mẹ, em dặn mình phải học giỏi vì chỉ như thế mới có thể thoát nghèo, lo được cho gia đình. Em nghĩ mình có thể không được chọn điểm bắt đầu, nhưng em sẽ không ngừng cố gắng để có thể chọn tương lai của chính mình".

Em kể, ngày biết tin đỗ đại học vừa mừng vừa lo vì không biết lấy tiền đâu để đi học. "Làm thêm ở đây nếu làm đủ ngày công thì một tháng công ty trả gần 6 triệu, khi tăng ca thì nhiều hơn. Công việc vất vả nên mẹ em khuyên cứ làm thuê đến tháng 5, tháng 6 sang năm để có tiền rồi mới nghĩ đến đi học đại học. Nhưng em biết, động lực đi học sẽ vơi dần đi. Em lại phải động viên mẹ “con chỉ làm hết tuần này thôi, có ít tiền con sẽ đi học đại học”. Mẹ thương em lắm nên đã quyết đi vay ngân hàng chính sách để em được đi học...", Hoan thổ lộ.

Là sinh viên ngành Marketing (trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Hoan cho biết, do điều kiện học tập môn Tiếng Anh còn hạn chế, năm đầu Hoan muốn tập trung học nhiều hơn và chỉ đi làm thêm khi có thời gian.

hoan-1.jpg
Lý Văn Hoan (thứ 2 từu trái sang) trong ngày tổng kết năm học.

"Nhưng về lâu dài học ở trường em sẽ tìm kiếm một công việc làm thêm để lấy tiền ăn học và trang trải cuộc sống...", Hoan nói.

Năm tháng đi bộ đến trung tâm học tập đã vượt qua, ước mơ giảng đường đại học đã chạm tới. Mặc dù chặng đường trước mắt còn lắm gian nan, năm học mới đã đến, thầy cô cùng bạn bè của Hoan đang mong mỏi từng ngày để được nhìn thấy cậu học trò nghèo vượt khó khăn, trưởng thành, cống hiến cho tương lai.

Ông Nguyễn Minh Vỹ - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lục Ngạn cho biết, Hoan là học sinh chăm ngoan học giỏi. Trung tâm đã quyết định tặng giấy khen đột xuất cho Hoan vì thành tích thủ khoa khối C trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đối với học sinh của Trung tâm. "Hoan là tấm gương sáng về nghị lực vượt qua hoàn cảnh gia đình để vươn lên trong học tập, xứng đáng cho học sinh nhà trường học tập noi theo...", ông Vỹ nhấn mạnh

Bài liên quan
Hà Nam: Sáng 1/10, thêm 17 ca dương tính với Covid-19
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nam, từ 18h ngày 30/9 đến 6h ngày 1/10, tỉnh này ghi nhận thêm 17 ca dương tính với Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buộc tiền dẫn lối ước mơ Đại học