Nếu rượu bia được xem là dành cho nam giới thì nước ngọt là thức uống được nữ giới và trẻ em ưa chuộng trong dịp Tết. Ngoài việc dẫn đến béo phì do hàm lượng đường, các loại nước ngọt còn chứa chất bảo quản có thể gây rối loạn tiêu hóa. Trẻ em uống nhiều nước ngọt sẽ gây cảm giác no dẫn đến bỏ bữa ăn chính. Hậu quả là không ít trẻ bị sụt cân sau Tết.
Bánh mứt, các loại hạt
Đây là những món không thể thiếu trong ngày Tết. Bánh bích quy, chocolate cũng có thể ăn nhưng không quá 100 g/ ngày (1 bánh bích quy 10 g khoảng 40 kcal). Nên thay bằng các loại trái cây ít ngọt.
Nên thay thế các loại mứt nhiều năng lượng (100 g mứt dừa tương đương năng lượng 100 g lạp xưởng, khoảng 500 kcal) bằng loại mứt ít năng lượng hơn như mứt gừng, khoai lang…, nhưng cũng nên ăn có kiểm soát.
Đối với các loại hạt, nên ăn khoảng 30 - 50 g để giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Bởi, các loại hạt chứa nhiều đạm, chất béo làm cơ thể no và không thèm ăn những loại thực phẩm khác.
Vệ sinh an toàn thực phẩm
Thức ăn ngày Tết thường được lưu trữ qua nhiều ngày nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm. Thực phẩm tươi sống sau khi mua về cần được làm sạch và bảo quản đúng cách. Thịt cá tươi sống cần được sơ chế, rửa sạch rồi bảo quản ở ngăn đá. Rau cần loại bỏ lá sâu, dập, bỏ rễ, rửa sạch đặt trong bao xốp kín rồi bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Trái cây rửa sạch, để ráo, cho vào bao xốp giữ trong ngăn mát tủ lạnh. Đối với thức ăn đã nấu chín, cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Thức ăn sống và chín cần được giữ trong những hộp riêng, đậy kín để tránh nhiễm khuẩn chéo từ thức ăn sống sang thức ăn chín.
Nên dự trù lượng thực phẩm vừa đủ cho những ngày Tết. Đồng thời, cân nhắc khả năng lưu trữ, bảo quản thực phẩm tại nhà. Thức ăn nên nấu ở lượng vừa đủ, tránh hâm đi hâm lại nhiều lần. Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng, trái cây hư chua.