Cái chết oan khuất của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật

Trần Hoà | 10/10/2022, 16:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nguyễn Quang Bật được thần báo mộng sẽ không đỗ cao, nhưng ông cho rằng “nhân định thắng thiên”, và cuối cùng đã đỗ Trạng nguyên.

Đó là Nguyễn Quang Bật, sinh năm 1463, trong gia đình nghèo khó ở làng Ngo, xã Bình Ngô, huyện Gia Định (nay thuộc thôn Thường Vũ, xã An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh).

Người thắng ý thần

Theo các nguồn sử liệu, Nguyễn Quang Bật đỗ Trạng nguyên năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ông là người có ý chí “nhân định thắng thiên”, không tin vào số mệnh.

Tương truyền trước khoa thi, ông nằm mơ thấy thần hiện về báo mộng sẽ không đỗ đạt cao. Thế nhưng, ông tin rằng “Thần đâu biết được việc người/ Phen này ta đỗ, đỗ thời Trạng nguyên” và càng ra sức học. Đến kỳ thi Đình, ông đã đoạt được ngôi vị đầu bảng, giành lấy được danh hiệu Trạng nguyên.

Truyền miệng ở vùng Kinh Bắc kể rằng, thuở nhỏ nhà nghèo nhưng Nguyễn Quang Bật ham học, phải làm nghề bán hàng nước ở cầu Khoai kiếm ăn. Ông học đến mức mờ cả mắt. Khoa thi năm 1484 thời Hồng Đức, ông đỗ Trạng nguyên với bài luận đối đình sách trả lời về cách dùng người của nhà Triệu Tống.

Cái chết oan khuất của Trạng nguyên 'thắng ý thần' ảnh 1
Thần báo mộng không đỗ cao, Nguyễn Quang Bật vẫn đỗ Trạng nguyên

Cũng có giai thoại nói rằng, ngoài tài học thì Nguyễn Quang Bật đỗ đạt “trái ý thần” là do đất phát. Theo sách “Trùng đính thiên Nam danh địa” (đính chính về những ngôi đất nổi tiếng ở nước Nam), đời Thành Thái - hiệu đính sách của nhà phong thủy nước ta từ hơn 300 năm trước.

Ở mục có đầu đề “Trạng nguyên địa cộng thập bát” (18 ngôi đất phát Trạng nguyên), về mỗi ngôi đều nói rõ địa điểm, hình dáng, tên người được đất và lần lượt nêu ra các ngôi đất của Trạng nguyên, Bảng nhãn: Nguyễn Trực, Vũ Duệ, Nguyễn Quang Bật, Hoàng Nghĩa Phú, Nguyễn Giản Thanh, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Dương Phúc Tư, Giáp Hải…

Những dòng viết về Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật như sau: Mộ thân phụ Nguyễn Quang Bật ở xã Bình Ngô, huyện Gia Định (nay đổi là Gia Bình), hình biển lớn phẳng lặng, một khi trở mình thành thành quách, bốn bề khô cạn, khi trời mưa nước lên trông như rồng đi, thế như cuộn khúc, đội tinh phong. Chỉ hiềm một nỗi nước bên ngoài làm lay động đầu rồng… bị tai bay vạ gió mà chết chìm.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Quang Bật được bổ làm quan Viện hàn lâm chức Hàn lâm viện thị thư. Năm 1495 ông được tham gia hội Tao Đàn làm sách “Quỳnh uyển cửu ca”, đứng tên thứ 7 trong số 28 vì tinh tú của Tao Đàn. Đời Cảnh Thống, ông giữ chức Đô ngự sử đài, cùng thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ lĩnh mệnh phò lập vua Lê Túc Tông.

Nhưng Túc Tông yểu mệnh, tháng 6 lên ngôi thì tháng 12 băng hà khi mới 17 tuổi. Lê Uy Mục kế vị lấy niên hiệu là Đoan Khánh. Từ đây bắt đầu một câu chuyện đầy bi thương và oan khuất của vị Trạng nguyên xứ Kinh Bắc.

Tai bay vạ gió

Cái chết oan khuất của Trạng nguyên 'thắng ý thần' ảnh 2
Nguyễn Quang Bật đứng hàng 7 trong hội Tao Đàn nhị thập bát tú.

Theo sử liệu, người mẹ sinh ra vua Uy Mục chỉ là tỳ thiếp lại mất sớm, bà Kính phi không có con trai, nhận nuôi làm con mình và có ý muốn lập Uy Mục làm vua. Khi Hiến Tông nằm giường bệnh, sợ các đại thần không theo, bà Kính phi mang vàng bạc đút lót, nhưng Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ không nhận.

Đến khi vua Lê Hiến Tông ốm nặng, hai ông Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ nhận di chiếu của tiên vương phò tá Thái tử Thuần (tức Lê Túc Tông) nối ngôi. Khi vua Hiến Tông mất, hai vị quan này không chịu giúp thay đổi di chiếu nên Uy Mục quyết trả thù.

Ngày 5/6/1505 Uy Mục đế lên ngôi chưa đầy nửa năm, nhớ mối hận ngày trước đã biếm chức thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử đài Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam giữ chức thừa tuyên sứ. Khi hai người đi đến sông Lam thuộc địa phận huyện Chân Phúc vua sai người đuổi theo bắt phải tự xử.

“Đại Việt sử ký” chép: “Vua (Uy Mục) căm giận lắm. Đến đây, dùng mưu của Khương Chủng, Nguyễn Nhữ Vi biếm hai người làm Thừa Tuyên xứ Quảng Nam. Khi họ đến sông lớn huyện Chân Phúc, vua sai người đuổi theo bắt phải tự tử. Hai người khi sắp gieo mình xuống nước, ngâm thơ Quốc ngữ rồi mới mất. Sau đình thần trong bụng ai cũng biết là hai người chết không đáng tội, can vua, vua đổ tội cho Nhữ Vi rồi giết y”.

Ông làm thơ tuyệt mệnh trước khi chết, bài thơ ghi trong gia phả và được đốc học Đỗ Trọng Vĩ - hậu duệ của ông ghi lại trong sách “Bắc Ninh địa dư chí” thế kỉ 19 như sau: “Trời, trời xanh. Nước, nước xanh/ Ai đem người ngọc đến Nam Ninh/ Nào chẳng Liễu Nghị đi đâu tá/ Sao chẳng đưa thư tới Động Đình”.

Đến đời Hồng Thuận, vua Tương Dực biết ông chết oan, bèn truy phong tước Bá, và tặng lá cờ thêu 3 chữ “Trung Trạng nguyên”. Vua còn cho dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng.

Do việc vua Uy Mục bắt tự xử, con cháu Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật đã phải cải sang họ Đỗ để tránh tai họa. Hiện ở quê có đền thờ và tấm bia đá ghi sự nghiệp của ông.

Con cháu thay tên đổi họ

Cái chết oan khuất của Trạng nguyên 'thắng ý thần' ảnh 3
Đốc học Đỗ Trọng Vĩ - hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật là người khởi dựng Văn miếu Bắc Ninh

Vụ án hãm hại Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật không được chính sử ghi chi tiết, nhưng rõ hơn lại ở các tư liệu thư tịch cũng như dân gian. Văn bia ở chùa Hòa Lạc (Văn Lâm - Hưng Yên), nay là chùa của thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh nằm ở bên trái hiên nhà bái đường, có niên đại hơn 500 năm, viết: Năm Đoan Khánh thứ nhất, ơn vua khoa Giáp Thìn đỗ tiến sĩ cập đệ, Hữu thị lang bộ Lại Trung Trinh đại phu Khuông Thiếu Doãn Nguyễn Quang Bật người ở Gia Định cẩn trọng viết…

Như vậy, văn bia này do Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật soạn, đồng thời cũng cho thấy từ triều trước Nguyễn Quang Bật đã được phong tước Trung Trinh đại phu Khuông Thiếu Doãn. Khi Uy Mục lên ngôi cũng không xóa bỏ tước hiệu ấy, chỉ giáng ông từ Đô ngự sử xuống Hữu thị lang và chuyển sang bộ Lại.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, dù rất khẩn trương, việc Nguyễn Quang Bật bị biếm đi Quảng Nam có thể được xác định diễn ra vào mùa đông. Điều kiện giao thông của 500 năm trước vô cùng khó khăn, từ Thăng Long đến Quảng Nam đường xa ngàn dặm (hơn 700 km) tất phải đi hàng tháng trời nên đến đầu năm sau mới tới được cửa sông lớn - nơi vụ bức tử diễn ra. Vì thế, sự việc bi thảm cuối đời ông Nguyễn chắc chắn vào đầu năm Bính Dần (1506).

Đặc biệt, bài thơ tuyệt mệnh được truyền lại - phải do người đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của quan Ngự sử. Dựa vào những điểm này, giới nghiên cứu cho rằng, chuyến đi Quảng Nam đúng là một chuyến công vụ như quốc sử đã ghi “biếm hai người làm Thừa Tuyên sứ”, và vào phút cuối đời - bên Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật không chỉ là những sát thủ, mà có những người có chữ.

Bản gia phả của họ Đỗ ở Bình Ngô - Đại Mão viết năm Tự Đức thứ 6 (Quý Sửu - 1853), hay bản phụng sao tục (chép lại và viết tiếp) năm Ất Tỵ đời Thành Thái (1905) có đoạn viết: Người làng vẫn tương truyền họ ta là dòng dõi cụ Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, Nguyễn tướng công. Cụ làm quan có chân trong Tao Đàn.

Sau khi vua Uy Mục lên ngôi, rất giận trước đã không lập mình bèn đầy cụ đến Nam Ninh (sử chép đưa đến Quảng Nam an trí). Cụ bị oan, tức giận lắm, ném hòn đá xuống nước và thề rằng: “Con cháu nhà về sau ai làm quan với triều này (nhà Lê) thì số phận cũng như hòn đá này”. Nhân cụ ngâm mấy câu thơ bằng quốc âm cho khuây lòng. Từ đó, con cháu kiêng lời thề của cụ đổi sang họ Đỗ…

Những tư liệu trên hầu hết thống nhất với “Đại Việt sử ký toàn thư” về cuộc đời và kết cục bi thảm của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật. Đồng thời, giúp thế hệ sau hình dung rõ hơn các tình tiết lúc ông bị bức tử.

Vua Uy Mục - kẻ ra tay tàn bạo để trả thù mối hận bị dân chúng gọi là “vua quỷ”. Nguyên vì tháng Giêng năm 1507, khi sang Đại Việt để sắc phong cho Lê Uy Mục làm An Nam Quốc vương, phó sứ thần của nhà Minh là Hứa Thiên Tích trông thấy tướng mạo hoàng đế, đã làm thơ gọi ông là “Quỷ vương”: An Nam tứ bách vận vưu trường/ Thiên ý như hà giáng quỷ vương? (Vận An Nam còn dài bốn trăm năm/ Ý trời sao lại sinh ra vua quỷ?).

Về điều này, sử thần triều Lê cũng đưa ra những lời bàn: “Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy”.

Uy Mục ở ngôi 4 năm thì bị lật đổ. Trong lúc đang chạy trốn, Uy Mục bị một vệ sĩ cũ bắt được đem nộp cho Giản Tu công (Lê Tương Dực) và bị giam vào cửa Lệ Cảnh. Nhận thấy đã đường cùng, ngày 1 tháng 12 năm 1509, Lê Uy Mục uống thuốc độc tự vẫn.

Giản Tu công căm hận Uy Mục giết hại tàn nhẫn gia đình mình, chưa nguôi giận nên sai người dùng súng lớn, để xác Uy Mục vào miệng súng rồi bắn cho nổ tan hết hài cốt.

Ngày nay, tại quê hương Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ở xã An Bình (Thuận Thành – Bắc Ninh) vẫn còn lăng tưởng niệm với bài vị cổ bằng đá. Ngay sau khuôn viên nhà bia là ngôi trường mang tên ông. Dòng họ Đỗ - hậu duệ Trạng nguyên có đặt giải thưởng để thưởng cho học sinh xuất sắc hàng năm.

Bài liên quan
Nguyễn Thị Duệ - nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam
Nguyễn Thị Duệ - nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam đã để lại cho đời một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và rèn luyện chữ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái chết oan khuất của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật