Các trường tham gia thí điểm đều chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị theo đúng kế hoạch, chủ động trong tuyên truyền rộng mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học. Qua đó ghi nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức được các câu lạc bộ STEM-Robotic.
Tuy nhiên, do mới triển khai thí điểm nên địa phương cũng còn gặp một số khó khăn như: tài liệu tập huấn chỉ có 2 bài minh họa/khối, nguồn tài liệu tham khảo cho GV còn ít nên khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy Bài học STEM; một số GV còn lúng túng, chưa cân đối thời gian trên lớp để đảm bảo chuẩn kiến thức và đảm bảo mục tiêu STEM.
Ngoài việc sử dụng thiết bị sẵn có, các vật liệu, công cụ gia dụng dễ tìm,… các trường vẫn cần có thêm nguồn kinh phí để giáo viên được chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình thực hiện chủ đề STEM.
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của giáo viên trong triển khai thí điểm giáo dục STEM. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, vượt khó triển khai thí điểm giáo dục STEM trên địa bàn thành phố của các trường.
Lãnh đạo Sở cũng lưu ý các Phòng GD&ĐT, các nhà trường đây không phải nhiệm vụ mới, yêu cầu hay việc làm mà đây là phương pháp giáo dục, giúp thầy cô thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là trong triển khai nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Thầy cô cũng cần quan tâm hơn đến công tác phối hợp giữa các nhà trường trên địa bàn, trở thành cầu nối hữu hiệu, quan trọng trong thực hiện nhân rộng và đại trà thí điểm giáo dục STEM.