Cha mẹ đã chăm sóc đúng cách để trẻ phát triển chiều cao tối ưu nhất?

27/11/2023, 16:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trẻ phát triển chiều cao tối ưu và khỏe mạnh là mong muốn của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Tuy nhiên, cần hiểu đúng về tăng chiều cao ở trẻ, để có phương án chăm sóc đúng đắn nhất, tránh vô tình bỏ lỡ giai đoạn tăng chiều cao tốt nhất của con.

Trẻ em lớn lên như thế nào?

Trẻ lớn lên theo chiều cao khi các xương của trẻ phát triển dài và to ra. Ở các xương dài, sức tăng trưởng này không diễn ra trên toàn bộ chiều dài của các xương, mà chủ yếu là ở hai đầu xương do sự phát triển của sụn tăng trưởng, đặc biệt là ở các vị trí đầu xương ở gần gối, gần khớp vai, gần cổ tay.

Sự tăng trưởng xảy ra từ từ trong suốt thời thơ ấu. Tuy nhiên, đến tuổi dậy thì là giai đoạn bộc phát, trẻ sẽ lớn hẳn lên.

Đến tuổi thanh niên, xương phát triển chậm lại rồi không phát triển dài ra nữa. Khi đó sụn tăng trưởng ở đầu xương không còn khả năng hóa xương, do đã biến đổi thành xương. Vì thế, trẻ sẽ ngừng cao thêm, trên phim chụp X-Quang của xương sẽ không thấy hình ảnh sụn tăng trưởng ở đầu xương.

Như vậy, khi chụp X-Quang chi dưới nếu thấy hiện hình ảnh sụn tăng trưởng thì sẽ không thể cao hơn được nữa. Con gái thường ngừng phát triển chiều cao sớm hơn con trai khoảng 1 hay 2 năm, nên chiều cao trung bình ở con trai lớn hơn con gái.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người, cụ thể như:

Yếu tố di truyền: Chiều cao, tầm vóc của trẻ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền (gen). Tuy nhiên, yếu tố này chỉ quyết định khoảng 23%.

Chế độ dinh dưỡng: Theo nhiều nghiên cứu, dinh dưỡng quyết định khoảng 32% trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Điều này cho thấy, đây là một yếu tố có vai trò cực kỳ quan trọng.

Chế độ vận động: Chế độ vận động quyết định khoảng 20% sự phát triển chiều cao ở trẻ. Vì vậy, bên cạnh xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bố mẹ cũng đừng quên cho trẻ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Các yếu tố còn lại: Ngoài những yếu tố vừa kể trên, chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, chế độ nghỉ ngơi, bẩm sinh, chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời kỳ mang thai…

Một số sai lầm về tăng chiều cao ở trẻ- Ảnh 2.

Trẻ phát triển chiều cao tối ưu và khỏe mạnh là mong muốn của bất kỳ bậc cha mẹ nào. (Ảnh minh hoạ)

Một số sai lầm về việc tăng chiều cao ở trẻ

Mỗi trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đều có các mốc trưởng thành và phát triển khác nhau.

Chế độ ăn kiêng dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên không được khuyến khích, vì đây là giai đoạn cần nguồn dinh dưỡng thiết yếu để tăng trưởng về cân nặng và chiều cao của trẻ.

Nếu trẻ có tăng cân hơn, đừng vội áp dụng các biện pháp ăn kiêng như người trưởng thành, mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp cho đến khi con bạn trưởng thành.

Trên thị trường quảng cáo nhiều thuốc hoặc thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao, tuy nhiên hầu như các thuốc này có thành phần chính là Canxi, vitamin D3, vitamin K2 (MK7). Ngoài ra, một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thành phần hormone tăng trưởng.

Hormone tăng trưởng có tên là Growth Hormone (GH), do thùy trước tuyến yên tiết ra, có tác dụng ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể, kích thích tăng trưởng của tế bào, làm tăng cả kích thước và kích thích quá trình phân bào, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất ở tất cả tế bào. Đồng thời tăng quá trình phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, giảm sử dụng glucose, tác động gián tiếp đến mô sụn và xương.

Quá trình bài tiết hormone tăng trưởng được cơ thể tự điều hòa phù hợp với giai đoạn phát triển của cơ thể.

Thuốc chứa hormone tăng trưởng là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen người (hGH = human growth hormon), được dùng trong một số bệnh, trong đó có làm tăng chiều cao cho trẻ em tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn mà khi xét nghiệm có nồng độ GH máu thấp, nhưng cũng ở mức hạn chế.

Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không phải do thiếu GH thì dùng hGH không có hiệu quả. Khi dùng hGH với liều cao hoặc kéo dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như: Giữ nước, phù, sưng ngón tay, to vú (nam), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng...

Dùng hGH lâu dài, nhất là dùng ở người đã hết thời kỳ phát triển, có thể gây ra chứng to các đầu chi, tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa…

Vì vậy, bố mẹ nên tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng cho con mình, và đặc biệt không được tự ý dùng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao mà không có chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay, một số loại máy móc được quảng cáo là có tác dụng tăng chiều cao. Tuy nhiên, các loại máy này thực ra chỉ có tác dụng như trẻ tập thể thao.

Khi trẻ đến giai đoạn các sụn tăng trưởng biến thành xương và không còn xảy ra quá trình cốt hóa, khi đó trên phim X-Quang không còn hình ảnh khoảng sáng của sụn tăng trưởng. Lúc này trẻ đã hết tuổi phát triển chiều cao và không có biện pháp nào có thể làm tăng chiều cao cho trẻ ngoài phẫu thuật kéo dài chân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ đã chăm sóc đúng cách để trẻ phát triển chiều cao tối ưu nhất?