Theo bà Nancy, đầu tiên, giáo viên và học sinh nên làm quen với công cụ hỗ trợ viết AI để có thể bước đầu phân biệt được các tác phẩm do học sinh, sinh viên thực hiện và tác phẩm do AI triển khai. Họ có thể sử dụng những dữ liệu chính xác mà AI cung cấp để mở rộng bài giảng.
Tiếp đó, cần nói chuyện với học sinh về các hướng dẫn, quy tắc và thậm chí là kỳ vọng của giáo viên về việc sử dụng AI. Hiện nay, một số giảng viên đã yêu cầu sinh viên trích dẫn nguồn nếu lấy thông tin từ ChatGPT, dù việc này chưa phổ biến như việc trích nguồn các bài báo, nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, bà Nancy cho rằng nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục học sinh, sinh viên về tính liêm chính trong học tập, nhận thức rõ những hành vi sai trái khi sử dụng AI nói chung và ChatGPT nói riêng.
Còn ông Alain Goudey, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật số, Trường Kinh doanh NEOMA, Pháp, cho rằng thay vì cấm đoán, giáo viên nên giải thích cho học sinh hiểu về những công cụ này. Song song là điều chỉnh các phương pháp kiểm tra, đánh giá như tập trung hơn vào thuyết trình, làm bài kiểm tra tại lớp, làm việc nhóm...
“Nếu ChatGPT có thể vượt qua các kỳ thi, vậy chúng ta cần thay đổi các kỳ thi”, ông Goudey nhận định.
Vị chuyên gia này tin rằng, ChatGPT có thể trở thành gia sư riêng cho từng học sinh. Với một lớp học có sĩ số khá lớn, việc giáo viên có thể quan tâm đến từng em là điều khó khăn. Thay vào đó, ChatGPT cùng nhiều phần mềm công nghệ khác có thể thúc đẩy khả năng tự học, tự trau dồi của học sinh; từ đó, rút ngắn khoảng cách giáo dục và cơ hội tiếp cận giáo dục.
Theo Euronews, BI