Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được chọn làm Tế tửu Quốc Tử Giám

Trần Hoà | 14/01/2023, 16:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Danh nho Nguyễn Thuyên dù tài năng vượt bậc nhưng đường thi cử lận đận. Ba lần thi chỉ đỗ Tú tài, lần thứ tư mới đậu Cử nhân.

Thế nhưng với tài năng và sự học miệt mài, Nguyễn Thuyên đã trở thành vị học quan hiếm có của triều Nguyễn. Bởi thế, dù chỉ đỗ Cử nhân nhưng vua triều Nguyễn vẫn chọn ông để bổ vào chức Tế tửu Quốc Tử Giám.

Dòng họ khoa bảng

Theo các nguồn sử liệu và gia phả họ Nguyễn tộc lục chi ở Nam Định, Nguyễn Thuyên sinh năm Canh Tý (1790) trong một gia đình nho học làng Cựu Hào (nay thuộc xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Bố là Nguyễn Hoàn, vừa học giỏi toán pháp, vừa thông y lý, chữa bệnh rất giỏi. Mẹ là Phạm Thị Thuý con Cử nhân Huấn đạo Phạm Đình Dự. Ông nội là Cử nhân Nguyễn Xưởng, Huấn đạo phủ Thiệu Thiên (Thanh Hoá).

Do đó, từ nhỏ Nguyễn Thuyên đã tiếp thụ nền giáo dục gia đình có nền nếp, có học vấn cao, gia đạo nghiêm khắc. Ba anh em trai Nguyễn Thuyên đều đậu Tú tài nhiều khoa. Trong có người em trai tên là Nguyễn Thành đậu Tú tài đến 7 lần. Người em thứ ba của Nguyễn Thuyên là Nguyễn Ngọc Đường cũng đậu Tú tài 4 lần.

Nguyễn Thuyên đi thi Hương, ba khoá đều đậu Tú tài vào các năm Bính Tý (1816), Kỷ Mão (1819), Nhâm Ngọ (1822). Đến khoa thi Hương lần thứ tư năm Ất Dậu (1825) đời vua Minh Mạng, Nguyễn Thuyên đậu Cử nhân. Ông làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Trong 25 năm làm quan, Nguyễn Thuyên đã có 17 năm dạy học. Năm 1834, ông được thăng Đốc học tỉnh Thanh Hoá, rồi Đốc học tỉnh Hà Tĩnh, học trò có nhiều người đỗ đạt cao. Do có nhiều công lao trong dạy học nên đến năm 1837 Nguyễn Thuyên được phong Phụng nghi đại phu.

Năm 1841, vua Thiệu Trị mới lên ngôi đã biết Nguyễn Thuyên là một học quan có tài nên phong tặng Hàn lâm Thị giảng học sĩ, rồi đưa về kinh thành phong làm Giám sát ngự sử kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ông vừa dạy học ở Quốc Tử Giám vừa trông coi việc học trong phủ hoàng tộc.

Năm 1845, ông được kiêm chức Chưởng ấn kinh kỳ. Năm sau, Thiệu Trị thăng chức ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám và đổi tên ông là Nguyễn Công Hợp. Trải qua 17 năm dạy học, Nguyễn Thuyên đã góp công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước với 3 Thám hoa, 17 Tiến sĩ, 7 Phó bảng và 24 Cử nhân.

Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được chọn làm Tế tửu Quốc Tử Giám ảnh 1
Nguyễn Thuyên có đến 3 lần thi chỉ đỗ Tú tài, 1 lần đỗ Cử nhân. Ảnh minh họa.

Bậc sư biểu thanh bạch

Vì có công lao lớn trong việc đào tạo nhân tài, vua Tự Đức mến mộ cho phép Nguyễn Thuyên mặc đại triều phục để học trò làm lễ Khánh thọ ông 60 tuổi. Vua còn ban tặng ông khánh vàng, tự tay đề từ hai bức đại tự “Kính Trai”, “Nghĩa Phương” (Kính trọng thay sự thanh bạch giản dị, đẹp đẽ thay sự nhân nghĩa).

Trong số các học trò của Nguyễn Thuyên, có nhiều người về sau có danh vọng cao như các Thám hoa Phan Thúc Trực, Nguỵ Khắc Đàn và Đặng Văn Kiều. Các Tiến sĩ có: Bùi Thúc Kiên, Trần Huy Côn, Cử nhân Đặng Huy Trứ, Ngô Phùng, Đặng Văn Kiều và con là Tiến sĩ Đặng Văn Bá sau này là những văn thân yêu nước ở Hà Tĩnh tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp.

Năm Tự Đức thứ 3 (1850) nhà vua cử ông ra Hà Nội làm giám khảo cuộc thi Hương ở trường Hà. Sau chuyến đi Hà Nội về, sức khoẻ của ông giảm sút. Ông xin cáo quan về trí sĩ. Mãi hai năm sau (1852), biết không giữ được, Tự Đức phải đồng ý ban cho nguyên hàm về trí sĩ tại quê nhà.

Ngày 13 tháng 7 năm Quý Sửu (1853), ông qua đời ở tuổi 64. Vua Tự Đức thương tiếc, ban sắc chỉ phong Nguyễn Thuyên làm “Trung thuận đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu tán trị Doãn Nguyễn Hầu”. Hàng trăm học trò đang làm quan trong triều, ngoài hạt đều về dự lễ tang, đưa tiễn thầy.

Để ghi nhớ công ơn thầy, học trò đã xây dựng từ đường, sớm hôm thờ phụng một bậc sư biểu. Năm 1858, từ đường xây dựng xong, Bảng nhãn Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Duy Thanh (người làng Vân Bồng, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), cũng là người kế nhiệm Nguyễn Thuyên ra dự lễ khánh thành và viết văn bia cho từ đường.

Văn bia ca ngợi ông là một bậc đại sĩ phu không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm dạy học, suốt đời sống thanh liêm, giản dị, vui với đạo học, dạy học trò thành đạt. Bài văn có đoạn viết: “Do có bệnh mà xin nghỉ hưu, mặc dù tuổi nghỉ hưu chưa đến, vẫn không tiếc. Tiên sinh thường vui vẻ chuyện trò, không hề bận tâm đến việc đua tranh với đời chỉ chú trọng đến việc dạy học, hết sức chăm lo việc đó, còn lại coi nhẹ hết.

Điều tiên sinh ham muốn nhất, chính là bỏ được tính buồn bã (u sầu), cái mà người đời thường cho là lạnh nhạt. Tiên sinh suốt đời vui vẻ, không nói nhiều về đạo quân tử, mà thường ngày sống kiệm cần thanh bạch cho đến chết, nhà không chút của cải, chết nhẹ nhàng như Phiên Hầu Hi Tăng”.

Nguyễn Thuyên là một trong ba vị Tế tửu triều Nguyễn của vùng đất Nam Định. Giới sử học đánh giá rằng, chức Tế tửu đứng đầu Quốc Tử Giám phải là người đỗ Tiến sĩ trở lên.

Nguyễn Thuyên là người chỉ đỗ Cử nhân mà được triều đình cử giữ chức vụ này là điều rất đặc biệt. Điều đó chứng tỏ ông có học vấn rất uyên thâm, là một bậc sư biểu được nhiều người kính trọng.

Tư nghiệp Quốc Tử Giám lúc đầu (thời Trần) là chức học quan đứng đầu Quốc Tử Giám, phụ trách, quản lý việc giáo dục tại trường. Sang thời Lê sơ, là chức quan thứ 2, sau Tế tửu, làm phó cho Tế tửu, giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Tư nghiệp cùng với Tế tửu tham gia giảng dạy tại trường.

Để đảm nhiệm được trọng trách trên, ngay từ đầu khi tuyển chọn nhân sự cho Quốc Tử Giám, triều đình thường chọn những bậc tài năng, đạo cao đức trọng. Bởi họ không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa.

Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được chọn làm Tế tửu Quốc Tử Giám ảnh 2
Với tài năng, Nguyễn Thuyên đã ghi tên mình vào hàng những học quan danh tiếng triều Nguyễn. Ảnh minh họa.

Dân tôn Thành hoàng làng

Theo ghi chép của dòng họ Nguyễn tộc lục chi ở thôn Cựu Hào, Tế tửu Nguyễn Thuyên có 4 người con đều đỗ Tú tài là: Nguyễn Khâm, Tú Đoán, Tú Tương và Ấm Thừa. Ông cũng có người cháu gọi bằng ông họ là Nguyễn Văn Tính đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1901) năm Thành Thái thứ 13, cùng khoa với Phan Chu Trinh và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Họ Nguyễn thôn Cựu Hào được đánh giá là dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở Nam Định. Từ xa xưa, dòng họ này đã tạo dựng truyền thống hiếu học, hành đạo với 2 nghề cao quý là nghề dạy học và nghề thầy thuốc.

Theo cuốn gia phả do Nguyễn Thuyên viết năm Kỷ Dậu 1849 (năm Tự Đức thứ 2), dòng họ Nguyễn lục chi Cựu Hào được khởi nguồn từ Tổ Pháp chính công rời đất Bạch Mai (Hà Nội) về lập nghiệp tại làng Cựu Hào vào đời Hồng Đức thứ 33 ở thế kỷ thứ 15.

Quan tả Mạc Nguyễn Sưởng đời thứ 10 sinh được 6 người con trai, 3 người con gái. Một bà con gái được nhà vua ban cho tên là Liên Hoa công chúa, là tổ cô của dòng họ. Từ đây, dòng họ được phân chia thành 6 chi ngành.

Trong thời Lê trung hưng và thời Nguyễn, dòng họ này tại làng Cựu Hào có 1 Tiến sĩ, 2 Cử nhân, 1 Ngự y và 6 Tú tài. Mở đầu nghề làm thuốc là cụ Nguyễn Truyền, được cha là Nguyễn Xưởng cho theo học nghề y và trở thành một danh y đương thời.

Năm Canh Thân 1888, nhà vua bị bệnh hiểm nghèo, nghe tin họ Nguyễn Cựu Hào có người làm thuốc giỏi đã cho chiếu xuống vời vào cung. Cụ Định và 2 người con vào triều chữa khỏi bệnh cho nhà vua, triều đình muốn giữ cả 3 người ở trong cung, nhưng cụ đã thoái từ và cho con là Nguyễn Phối ở lại chữa bệnh cho hoàng tộc. Năm 1888, vua Thành Thái phong cho cụ Nguyễn Phối là Điều Hộ, năm 1890 phong làm Ngự y.

Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được chọn làm Tế tửu Quốc Tử Giám ảnh 3
Khu lăng mộ Nguyễn tộc lục chi ở Vụ Bản (Nam Định).
Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được chọn làm Tế tửu Quốc Tử Giám ảnh 4
Lễ rước làng Cựu Hào.

Hiện nay, từ đường dòng họ Nguyễn làng Cựu Hào còn giữ được nhiều kỷ vật quý của nhà vua phong tặng như sắc phong, đại tự, kim khánh tự đức khâm sai, chữ vàng, tiết hạnh khả phong.

Tại Cựu Hào, Tế tửu Nguyễn Thuyên được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Mới đây, vào cuối tháng 11/2022 thôn Cựu Hào đã tôn tạo ngôi đền. Hiện ngôi đền toạ ở đầu làng, trải qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Đền có 3 cung, lưu giữ nhiều câu đối, sắc phong của các đời vua ban tặng.

Bài liên quan
Trạng nguyên lớn tuổi nhất lịch sử khoa bảng phong kiến
Nguyễn Xuân Chính đỗ Trạng nguyên lúc 50 tuổi - là vị Trạng nguyên lớn tuổi nhất lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ đỗ Cử nhân vẫn được chọn làm Tế tửu Quốc Tử Giám