Vị Trạng nguyên viễn tổ của Đại thi hào Nguyễn Du

Trần Hoà | 06/12/2022, 08:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sách “Nhị Khê Nguyễn thị thế phả” và một số nguồn sử liệu ghi Nguyễn Thiến là viễn tổ của thi hào Nguyễn Du.

Là Trạng nguyên triều Mạc nhưng sau lại làm quan triều Lê, Nguyễn Thiến không chỉ là người bạn tâm giao của Trạng Trình, mà còn là viễn tổ của thi hào Nguyễn Du.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Thiến sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất năm 1557 tại Thanh Hoa. Sinh thời, ông được nhà Mạc phong là Thư quận công, rồi Thượng thư. Tuy nhiên, gần đây phát hiện một số nguồn sử liệu cho rằng ông sinh năm 1495.

Đỗ đạt triều Mạc

Vị Trạng nguyên viễn tổ của Đại thi hào Nguyễn Du ảnh 1
Trạng nguyên Nguyễn Thiến đỗ và làm quan triều Mạc, nhưng sau phải theo triều Lê. Ảnh minh họa: IT.

Nguyễn Thiến quê nội ở làng Tảo Dương, quê ngoại làng Canh Hoạch thuộc phủ Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, năm Đại Chính thứ ba (1532) triều vua Mạc Thái Tông, và từng được phong giữ chức Thượng thư bộ Lễ.

Làng Canh Hoạch có Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng cũng là bác của Nguyễn Thiến. Mẹ ông là Nguyễn Thị Hiền giỏi giang, xinh đẹp lại thi thư quý phái. Bà làm vợ của công tử Nguyễn Doãn Toại, con trai Thám hoa Nguyễn Doãn Địch. Việc Nguyễn Doãn Toại làm chồng Nguyễn Thị Hiền và chết ngay trong đêm đó, sau này được người đời truyền tụng khá ly kỳ, khó tin.

Cuộc tình duyên này cho bà Hiền một con trai là Nguyễn Thiến. Ông ngoại của Nguyễn Thiến là Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký (khai khoa Canh Hoạch). Ông nội Nguyễn Thiến là Nguyễn Doãn Địch, quê gốc là thôn Tảo Dương, sang cư trú ở Canh Hoạch từ lâu. Khi Nguyễn Thiến lên 6 tuổi đã được mẹ cho theo học bác ruột là Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng.

Một số nguồn sử liệu cũng cho rằng, Nguyễn Thiến là bạn học của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông rất quý trọng, tin phục và giao du thân tình với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được Trạng Trình đánh giá là người “thành tín, chính trực, hiểu biết nhiều”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng ở nhờ nhà Nguyễn Thiến và làm thầy dạy cho Nguyễn Quyện (con trai Nguyễn Thiến) trước khi đỗ Trạng nguyên năm Ất Hợi (1535).

Nguyễn Thiến được nhà Mạc trọng dụng. Ông cùng Thái tể Lê Bá Ly là thông gia. Sau khi vua Mạc Đăng Doanh mất (1540), Thượng hoàng Mạc Đăng Dung đau buồn mà chết (1541), vua Mạc Phúc Hải cũng chết yểu (1546). Nhà Mạc biến loạn, nội bộ lục đục.

Năm 1550, Thái tể Lê Bá Ly mâu thuẫn với cha con sủng thần Phạm Quỳnh - Phạm Dao và bọn Nguyễn Văn Thái, Đặng Văn Trị... từ ngấm ngầm đến chia rẽ, đối địch. Thượng thư Nguyễn Thiến đứng về phía Thái tể Bá Ly. Khiêm vương Mạc Kính Điển phụ chính đại thần lo phe phái mạnh của Mạc Chính Trung và có ơn với nhà Phạm Quỳnh nên không làm chủ được chính sự.

Làm quan triều Lê

Vị Trạng nguyên viễn tổ của Đại thi hào Nguyễn Du ảnh 2
Khu lăng mộ bác cháu Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng - Nguyễn Thiến.

Trong khi tình hình phe phái lục đục, vua Mạc Phúc Nguyên còn trẻ lại tin lời xúc xiểm của loạn thần. Cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao bất ngờ đưa quân cấm vệ đến vây dinh Thái tể Lê Bá Ly và Thượng thư Nguyễn Thiến. Hai ông trốn thoát đã đem binh Sơn Tây và Kinh Bắc về đánh lại quân của Phạm Quỳnh và Phạm Dao.

Vua Mạc Phúc Nguyên trốn ra ngoài thành và xuôi thuyền bí mật về Kinh Dương để gặp Mạc Kính Điển. Trong tình thế cấp bách, Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến đã không kịp hỏi kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà vội dẫn gia quyến đi suốt đêm trốn vào ải Thanh Hóa xin hàng nhà Lê.

Trong các con đi theo có Nguyễn Quyện và nhiều người đang làm tướng triều Mạc như Lê Khắc Thận, Nguyễn Miễn... Mỗi người đem hơn trăm quân bản bộ.

Nguyễn Thiến và Lê Bá Ly về theo nhà Lê vẫn được giữ nguyên tước hiệu cũ, nhưng điều này khiến nhà Mạc tổn thất nghiêm trọng nguyên khí. Tháng 3/1551, Trịnh Kiểm đem 1 vạn quân, cử Lê Bá Ly, Nguyễn Quyện, Lê Khắc Thận làm tiên phong, phối hợp với Vũ Văn Mật tiến đánh Tuyên Quang, sau đó thọc về đánh chiếm kinh thành Thăng Long.

Quân Mạc thua chạy, Trịnh Kiểm chiếm được kinh thành nhưng lường được binh lực nhà Mạc còn mạnh, trong khi vùng đất căn bản của Nam triều đang để ngỏ nên đã kéo quân vào lại Thanh Hoa.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vì nhà Mạc đã làm bài thơ gửi cho Nguyễn Thiến với ý thuyết phục ông trở về với nhà Mạc. Trong đó có câu: Cố ngã tồn cô duy nghĩa tại/ Tri quân xử biến khá cam tâm…/Vận chuyển nhất chu ly phục hợp/Tràng giang khởi hữu hạn đông nam.

Nghĩa là: Ta giúp con côi vì nghĩa trọng/ Ông khi xử biến khá cam lòng…/Vận chuyển một vòng tan lại hợp/Trường giang đâu có hạn đông nam.

Nguyễn Thiến xem thư, trong lòng cảm thấy bứt rứt. Năm 1557, cả Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến cùng mất ở Thanh Hoa. Các con ông là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đã cùng nhau trở về theo lại nhà Mạc và Nguyễn Quyện trở thành danh tướng dưới quyền Mạc Kính Điển – phụ chính đại thần giỏi của vua Mạc Phúc Nguyên.

Việc Nguyễn Quyện trở về hàng Mạc đã góp phần tạo nên nhiều thắng lợi to lớn của Bắc triều trong cuộc chiến với phe Lê – Trịnh. Trong sự kiện tướng Nguyễn Quyện về hàng nhà Mạc có vai trò thuyết phục quan trọng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Năm 1557, Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên biết Nguyễn Quyện là tướng tài nhà Lê - Trịnh nên lấy làm lo ngại, hỏi kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình đã xin vua Mạc mang theo một trăm tráng sĩ sai đi phục sẵn ở bờ Bắc sông và gửi thư mời anh em Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn sang bên thuyền để cùng uống rượu, nói chuyện tâm tình.

Nhờ uy tín của Trạng Trình cộng với ơn thầy dạy là Nguyễn Bỉnh Khiêm nên tháng 8/1557, Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn nghe lời rủ nhau trốn khỏi nhà Lê về với nhà Mạc. Sự trở về của hai anh em Nguyễn Quyện làm Mạc Tuyên Tông và Khiêm Vương Mạc Kính Điển rất vui mừng.

Mạc Kính Điển gả con gái Ngọc Tỷ cho Nguyễn Quyện và Ngọc Điểm cho Nguyễn Miễn. Mạc Tuyên Tông cũng phong cho Nguyễn Quyện tước Văn Phái hầu, Nguyễn Miễn làm Phù Hưng hầu.

Viễn tổ của thi hào Nguyễn Du

Vị Trạng nguyên viễn tổ của Đại thi hào Nguyễn Du ảnh 3
Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm (cháu nội Nguyễn Thiến) vào Tiên Điền ẩn cư và lập ra họ Nguyễn Tiên Điền. (Thi hào Nguyễn Du là hậu duệ đời thứ 8 của Trạng nguyên Nguyễn Thiến).

Ngôi đình làng Canh Hoạch gọi là đình Vác, còn có tên nữa là đình Đụn, một ngôi đình với kiến trúc thời Lê - Mạc. Cách đình không xa, có nhà thờ Trạng nguyên cũng là nhà thờ họ Nguyễn có ba nhà khoa bảng lớn là: Bá Ký, Đức Lượng và Khuông Lễ.

Trong nhà thờ này còn có đôi câu đối (tạm dịch): “Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách/ Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc ấm đầy nhà”. Ngoài nhà thờ Trạng nguyên, ở Canh Hoạch có nhà sắc - còn gọi là Đình sắc, tọa lạc trên nền nhà cũ của bà Hiền thân mẫu Trạng nguyên Nguyễn Thiến.

Thoạt đầu Đình sắc được dân làng dựng lên để quản giữ những đạo sắc vua phong cho các vị Thành hoàng làng. Về sau, thành là nơi thờ danh tướng Nguyễn Quyện và là nơi ghi giữ công tích của gia tộc Trạng nguyên Nguyễn Thiến.

Sách “Nhị Khê Nguyễn thị thế phả” và một số nguồn sử liệu ghi Nguyễn Thiến là viễn tổ của thi hào Nguyễn Du. Con trai thứ của Trạng nguyên Nguyễn Thiến là Phù Hưng hầu Nguyễn Miễn. Con trai thứ ba của Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, năm 1601 đã tụ binh ở vùng Hoàng Giang (Ninh Bình) để chống lại nhà Lê.

Thất bại, Nguyễn Nhiệm chạy vào ẩn cư ở Tiên Điền và là tổ của họ Nguyễn ở Tiên Điền. Về Đình sắc có liên quan đến hai người con gái của danh tướng Nguyễn Quyện. Người chị là Nguyễn Thị Nguyệt đoan trang tươi đẹp, được tấn phong Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp. Người em là Nguyễn Thị Niên, làm vợ Quận công Bùi Văn Khuê.

Nhưng khi thấy bà Nguyễn Thị Niên dung nhan mỹ lệ, vua Mạc Mậu Hợp liền yêu mê và có ý nài hoa ép nguyệt. Bùi Văn Khuê đã phải đưa vợ và một số thủ hạ vào giữ đất Ninh Bình, rồi cho con là Bùi Văn Nguyên vào Thanh Hóa xin quy thuận nhà Lê.

Vua Lê và chúa Trịnh Tùng chưa thực tin, cho tướng Phan Ngạn ra quản thúc vợ chồng Bùi Văn Khuê. Rồi Phan Ngạn lại mê mẩn trước sắc đẹp của bà Niên, đã lập mưu giết ông Khuê và ép bà làm vợ mình. Bà Niên xin làm tuần chay tế chồng cũ rồi mới dám lấy chồng mới.

Và đêm đó trên sông Gián Khẩu, sau tuần chay, Phan Ngạn xuống thuyền bà Niên đúng như bà trù liệu. Có hiệu lệnh, thủ hạ của bà giết chết Phan Ngạn. Bày rượu tế chồng xong, bà Niên bảo đưa thuyền ra vực Bông, chỗ sâu nhất khúc sông Gián rồi trẫm mình tự vẫn.

Người chị Nguyễn Thị Nguyệt, sau bị quân của Trịnh Tùng bắt, rồi chết ngày 25 tháng 11 năm 1592… Hiện ở Đình sắc có đôi câu đối chữ Nôm: “Bến Gián nhô lên gươm tiết nghĩa/ Vực Bông gieo xuống gánh cương thường”.

Một người tài nữ nữa là em ruột của tướng Nguyễn Quyện, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, hiệu là Nữ chúa Huệ Lan, dân chúng gọi bà là Bà Chúa Thuận. Là vợ Chúa Trịnh, bà có uy thế lập bàn thờ Nguyễn Quyện ngay nơi Đình sắc.

Như vậy, Đại thi hào Nguyễn Du là hậu duệ đời thứ 8 của Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Tính từ đời Nguyễn Thiến trở đi, gia tộc họ Nguyễn tổ làng Canh Hoạch liên tục thi đỗ, làm quan hoặc trở thành các tướng lĩnh lẫy lừng thời loạn.

Nguyễn Thiến qua đời năm 1557 đời vua Lê Anh Tông, thọ 63 tuổi. Ông có hiệu là Cảo Xuyên, là danh sĩ có tiếng thế kỷ 16. Ông đỗ Trạng nguyên trước Nguyễn Bỉnh Khiêm một khoa – và là hai người bạn văn chương tâm đắc. Tác phẩm của ông còn lại 16 bài thơ chép trong sách “Toàn Việt thi lục”.

Bài liên quan
Gia đình ba đời đỗ Trạng nguyên hiếm có trong sử Việt
Ba đời ông – con – cháu đều đỗ Trạng nguyên, đó là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị Trạng nguyên viễn tổ của Đại thi hào Nguyễn Du