Về sau, Tống Trân còn ra làm quan “Phụ chính đại thần”. Đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về trí sĩ, mở trường dạy học tại quê nhà cho con dân trăm họ.
Người học không phải mất tiền, ai nghèo khó còn được chu cấp thêm tiền gạo. Được 5 năm thì Tống Trân qua đời, vua thương tiếc phong sắc “Thượng đẳng phúc thần”, sau lại gia phong “Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng tể đẩu Nam song toán Tống đại vương”, và truyền cho dân làng lập đền thờ.
Tưởng nhớ vị Lưỡng quốc Trạng nguyên lừng danh và nàng Cúc Hoa hiếu nghĩa vẹn toàn, cứ vào giữa tháng 4 âm lịch, người dân lại tổ chức lễ hội tái hiện truyền thuyết. Lễ hội diễn ra xung quanh cụm di tích đền Tống Trân (thôn An Cầu, xã Tống Trân) và đền Cúc Hoa (thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ).
Đền Tống Trân tương truyền được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân từ thời Lý. Đền Tống Trân có tên tự “Tiên căn linh từ”, tên nôm đền Thượng, đền Quan Trạng.
Năm 1991, đền Tống Trân được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử đền đã nhiều lần bị hư hỏng và cũng nhiều lần được tôn tạo. Cổng đền được ghi bằng chữ Hán “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn”.
Giữa khoảng sân là táp môn hình cuốn thư đề thơ chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đẹp ngôi đền. Trước sân là “ao mắt rồng” quanh năm nước trong xanh. Bao quanh ao là hồ rộng được trồng sen, mỗi mùa sen nở tỏa hương thơm ngát cả khu đền.
Ngày nay, đền có kiến trúc gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như tượng Tống Trân, câu đối, đại tự, bát hương, thần tích, 7 đạo sắc phong.
Đây là một ngôi đền còn tương đối đồng bộ từ kiến trúc tới không gian cảnh quan và đồ thờ tự. Tất cả tạo nên một không gian tâm linh, thành kính của nhân dân đối với người được thờ. Đồng thời nó cũng tạo nên vẻ đẹp hài hòa, cổ kính cho làng quê văn hóa vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong khuôn viên di tích, ngoài khu thờ chính còn có đền Mẫu là nơi thờ vọng nàng Cúc Hoa.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng cùng khách thập phương được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, phong phú, đa dạng như hát quan họ, hát chèo… Đây cũng là nét đẹp văn hóa góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hun đúc thêm ý chí học hành của bao thế hệ.
Tại Văn miếu Xích Đằng còn tấm bia ghi tên Tống Trân, được lập vào cuối triều Nguyễn. |
Người đời sau đã viết truyện Tống Trân - Cúc Hoa, một tác phẩm thơ Nôm dân gian nổi tiếng, ca ngợi tài đức, tình yêu và lòng chung thủy của Tống Trân - Cúc Hoa. Tác phẩm về sau được GS Hà Văn Cầu - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam dựng thành vở chèo nổi tiếng Tống Trân - Cúc Hoa.
Vậy nhân vật Tống Trân - Cúc Hoa có thật hay chỉ là huyền tích được tạo dựng? Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam - trong lịch sử khoa cử nước ta không có dòng sử liệu nào ghi chép về Trạng nguyên Tống Trân.
Điều đó cho thấy, đây là nhân vật hư cấu, là sự sáng tạo của nhân dân và tác giả dân gian khi đặt niềm tin cùng mơ ước của mình vào sự sáng tạo đó.
Vì thế, người dân địa phương từ bao đời nay đều tin vào nhân vật Tống Trân là có thật. Sau đó, Tống Trân được trao cho một lý lịch hết sức rõ ràng, cụ thể: Quê ở xã An Đô, huyện Phù Dung, cha là Tống Thiệu Công, mẹ là Đào Thị Cuông... Tống Trân sống vào thời tiền Lý, làm quan với Lý Nam Đế, sau đó theo Triệu Quang Phục.
Nhà nghiên cứu Hồ Nam cho biết, khoa thi đầu tiên ở nước ta được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới triều vua Lý Nhân Tông. Do đó, nhân vật Tống Trân trong huyền tích chỉ là ước mơ về sự thành đạt của những người dân lao động bình thường. Và dẫu là dã sử, truyền thuyết hoặc tác phẩm văn học dân gian, thì đó cũng là tiếng nói lên án những thế lực tàn bạo đã ngăn cản, chà đạp tình yêu.
Huyền tích cũng đồng thời ngợi ca tấm lòng son sắt kiên trinh, ý chí phấn đấu vì hạnh phúc, vì tình yêu của những con người biết chống lại các thế lực xấu cùng nhiều lễ tục khắc nghiệt. Nhờ đó mà chuyện Tống Trân đã xây dựng thành công mẫu người Việt Nam truyền thống, đặc biệt là người phụ nữ với tâm hồn phong phú và đặc sắc.
Hiện nay, tại Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên) còn tấm bia ghi tên Tống Trân, được lập vào cuối triều Nguyễn. Có người còn làm câu đối về Tống Trân, dịch nghĩa như sau: “Tám tuổi đỗ Trạng Nam, đã nổi tài sanh vàng đất Việt/ Mười năm sang xứ Bắc, lại đem vận sự dõi đời sau”.