Nam Cao viết “Chí Phèo” bằng ngòi bút lạnh lùng, dửng dưng. Ông viết cứ như vô can với tất cả, ông đứng bên ngoài, bằng cái nhìn kẻ cả mà kể lể, phán xét.

“Chí Phèo” do nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai trong phim điện ảnh cùng tên.“Chí Phèo” do nghệ sĩ Bùi Cường thủ vai trong phim điện ảnh cùng tên.

Ngay cả với nhân vật mà ông dày công xây dựng – Chí Phèo cũng không hề nhận được sự ưu ái nào, thậm chí ông “bỏ mặc” cho Chí đi hết một đời sống, chết đơn côi.

Chí Phèo sống đơn côi

Chí Phèo mang một số phận côi cút không thể thảm thương hơn. Bị người sinh ra mình bỏ rơi ở cái lò gạch cũ bỏ hoang. Tác giả không nói vì sao Chí bị bỏ rơi. Có thể người làm mẹ vì một lí do khốn cùng nào đó phải đành đoạn vứt đi đứa con mình rứt ruột sinh ra. Nhưng người đọc dường như chẳng nghĩ đến điều đó. Chỉ biết Chí được “một người đi thả ống lươn nhặt được”. Lúc đó Chí “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”.

Cũng may, Chí được người ta nhặt về “chuyền tay cho người làng nuôi”. Từ anh đi thả ống lươn, đến bà góa mù, đến bác phó cối không con. Toàn những phận đời côi cút, khổ hạnh cưu mang đứa trẻ mồ côi không rõ lai lịch nguồn gốc là Chí. Để đến khi họ hết sức, cũng may Chí kịp lớn để đi “làm canh điền cho nhà lí Kiến”.

Chí được nuôi dưỡng bởi những con người quanh năm côi cút làm ăn, lo cho sự nghèo khó của mình nên khi trở thành một anh canh điền hắn cũng chăm chỉ làm ăn và “hiền như cục đất”. Chí ấp ủ trong lòng ước mơ thiện lành về một mái ấm trong tương lai: “Có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ước mơ đó, Chí còn giữ cho riêng mình, chưa biết tỏ cùng ai.

Chí làm cho nhà Bá Kiến bị “cái con quỷ cái” vợ ba của hắn ta bắt bóp chân, “mà lại cứ bắt bóp lên trên, trên nữa”. Lúc đó Chí hai mươi, không phải là gỗ đá nhưng đối với loại đàn bà dâm đãng, lẳng lơ như bà ba, Chí cảm thấy khinh; với thân phận một kẻ tôi đòi, Chí cảm thấy sợ; còn với suy nghĩ của một thằng đàn ông bị một con đàn bà gọi đến bóp chân, Chí cảm thấy nhục. Chí không thể làm một việc không chính đáng, vậy là bị bà ta “mắng xơi xơi vào mặt”. “Hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì” nhưng nỗi lòng đó Chí phải giữ cho riêng mình “sống để bụng, chết mang theo” chứ chẳng thể nói ra.

Vậy mà chuyện vẫn “lộ”, Bá Kiến vẫn biết hoặc mơ hồ đoán biết. Nhưng một điều chắc chắn là Chí bị tống vào tù. Người ta dường như chẳng bận tâm đến biến cố ghê gớm đó trong cuộc đời Chí. Cuộc sống ở cái làng quê xa huyện, xa tỉnh, dân không quá hai vạn đó vẫn cứ thế tiếp diễn khi không có Chí. Người ta dần quên. Để đến khi bảy tám năm sau Chí ra tù, lúc đầu người ta không nhận ra, người ta ngỡ ngàng “Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai”.

Người ta tránh Chí như tránh một con vật gớm ghiếc: Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm, ngực phanh đầy nét chạm trổ, hai cánh tay cũng thế… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để những người dân chân chất hiền lành quanh năm chỉ biết ruộng lúa vườn rau trong làng Vũ Đại nhỏ bé đó sợ hãi, huống chi Chí còn say. Chí triền miên trong những cơn say và lè nhè chửi rủa. Nhưng ngay cả tiếng chửi cũng chẳng ai buồn giao tiếp với Chí. Người ta tránh Chí bởi người ta cần sự yên ổn. Bởi vậy, trở về làng về nước mà Chí trở nên cô độc ngay trên chính nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Nam Cao nghĩ gì khi để nhân vật của mình say khướt chửi nhau với “ba con chó dữ” nhà Bá Kiến; khi để Chí Phèo thủ phục dưới chân Bá Kiến như một con vật để nhận năm hào ban phát, rồi trở thành tay sai của “cụ tiên chỉ” đi làm bao điều tàn ác? Đối với một tác giả, Nam Cao có khả năng xoay chuyển ngòi bút, xây dựng cho nhân vật của mình một cuộc sống, một diện mạo tốt hơn mà? Nhưng có lẽ, đó chỉ là suy nghĩ của người đọc khi thấy cuộc đời Chí quá thảm thê. Còn nhà văn, ông tôn trọng sự thật. Trong “Trăng sáng”, ông đã từng viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than”. Kiếp sống của Chí Phèo, còn hơn cả lầm than. Đó là một sự đày đọa cả về tâm hồn và thể xác.

“Chí Phèo”, bi kịch con người bị xã hội khước từ.

Đến chết cũng đơn côi

Vì tôn trọng sự thật, Nam Cao cứ để cuộc đời nhân vật của mình tự nhiên diễn ra. Tưởng như sau cái đêm Chí say tưởng chết ở bờ sông đó, Chí sẽ tìm được cho mình một mái ấm với thị Nở, dù muộn màng nhưng đó cũng là niềm an ủi. Nhưng sự thật quá phũ phàng. Thị Nở sống với Chí, đem đến cho Chí niềm hi vọng được trở lại làm người lương thiện, được hòa nhập với xã hội loài người. Chí thoát được suy nghĩ và kiếp sống của con quỷ dữ bấy lâu nay.

Chí nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống, nhận ra tuổi già, nhận ra sự tệ bạc của mình “Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và dọa nạt”, “hắn chỉ mạnh vì liều”. Thị Nở xuất hiện, gợi lại cho Chí ước mơ thiện lành của tuổi hai mươi về một mái ấm gia đình. “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được… Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Hắn băn khoăn nhìn thị Nở, như thăm dò”.

Chí Phèo chưa dám nói, chưa kịp nói cho thị Nở nghe cái mơ ước “hoàn lương” của mình thì đã bị bà cô của thị gạt phăng. Bà cô đó đã tức điên lên “xỉa xói vào mặt con cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót đời” khi nghe cháu nói đến việc muốn lấy Chí Phèo – một thằng không cha, chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Và Chí đã được nghe lại tất cả lời lẽ xỉ vả của bà cô từ miệng của thị.

Cái quay lưng của thị “ngoay ngoáy cái mông đít ra về” hay cũng chính là lời nói “không” quyết liệt của cả xã hội đối với Chí. Hi vọng được trở lại làm người lương thiện bị dập tắt một cách phũ phàng khi hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay níu kéo, bị “Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái” ngã lăn khoèo xuống sân. Thị ra về trong sự hả hê khi đã trút hết được tất cả lời lẽ của bà cô vào mặt nhân ngãi, bỏ mặc Chí cô đơn “càng uống càng tỉnh”, càng buồn. Chí rơi vào cùng cực của nỗi đau tuyệt vọng, bế tắc.

Dường như trong tâm thức của kẻ “say mềm” đó đã nhận ra nguồn cơn của bao đau đớn khốn khổ bấy lâu nay. Bởi vậy, Chí đã “quên rẽ vào nhà thị Nở” để “đâm chết cái con khọm già nhà nó” như dự định ban đầu. Chí đi thẳng đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Việc làm của Chí lẽ ra cần có người cổ vũ, khích lệ. Nhưng đối với một thằng say, hắn chỉ có một mình. Một mình đi tìm lại mình, đi tìm công bằng cho mình. Rõ ràng trong cuộc đối thoại đòi lương thiện với Bá Kiến, Chí đã ý thức được sự bế tắc của cuộc đời mình, rằng mình không còn cơ hội để trở lại làm một “anh canh điền” hiền lành như xưa nữa, những vết mảnh chai trên mặt vẫn còn, nỗi sợ hãi của người dân với “con quỷ dữ Chí Phèo” cũng không thể mất đi.

Có lẽ sau mấy chục năm triền miên trong men rượu đây là lần đầu tiên Chí tỉnh táo, tỉnh hơn cả khi mong ước thị Nở sẽ là cây cầu nối giúp hắn hòa nhập với bà con làng xóm, tỉnh hơn cả khi nói lời tình tứ với thị. Dù biết rằng, không cách nào trở thành người lương thiện được nữa Chí vẫn cất tiếng đòi lương thiện chỉ để khẳng định một điều duy nhất: Con quỷ dữ trong Chí không còn nữa, phần NGƯỜI trong Chí đã hoàn toàn trở về.

Chí văng dao tới chỗ Bá Kiến “chém túi bụi” và “kêu làng thật to”. Nhưng từ trước tới nay, có ai thèm để ý tới những lời kêu, lời chửi rủa của hắn. Bởi vậy, khi người ta đến nơi, Bá Kiến đã chết và Chí Phèo “cũng đã đang giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng”. Chí Phèo muốn nói gì với những con người trong xã hội đó? Dù tác giả không trực tiếp nói ra nhưng người đọc có lẽ đều hiểu. Chí chết đi mang theo khao khát được làm người lương thiện.

Chí sống cô đơn, chết cũng chẳng có ai thương xót. Người làng đến chỉ để thỏa chí tò mò. Bởi đối với họ thì “Trời có mắt”, rằng “thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc”. Ngay cả thị Nở, người đã năm hôm sống với Chí như vợ chồng cũng “cười và nói lảng”, tuyệt nhiên không có lấy giọt nước mắt khóc thương.

Từ đầu tới cuối tác phẩm, người đọc thấy Nam Cao giữ thái độ bình thản, lạnh lùng để kể. Ông để mặc cho Chí tự xoay xở “vật lộn” với cuộc đời. Và khi không còn cách nào khác, kết thúc là một điều tất yếu. Nhà văn để nhân vật của mình tự giải thoát bằng việc kết liễu cuộc đời mình. Đó cũng chính là sự cứu rỗi, sự giải thoát tốt nhất mà nhà văn có thể làm cho nhân vật của mình.

Rõ ràng trong cuộc đối thoại đòi lương thiện với Bá Kiến, Chí đã ý thức được sự bế tắc của cuộc đời mình, rằng mình không còn cơ hội để trở lại làm một “anh canh điền” hiền lành như xưa nữa, những vết mảnh chai trên mặt vẫn còn, nỗi sợ hãi của người dân với “con quỷ dữ Chí Phèo” cũng không thể mất đi. Có lẽ sau mấy chục năm triền miên trong men rượu đây là lần đầu tiên Chí tỉnh táo, tỉnh hơn cả khi mong ước thị Nở sẽ là cây cầu nối giúp hắn hòa nhập với bà con làng xóm, tỉnh hơn cả khi nói lời tình tứ với thị. Dù biết rằng không cách nào trở thành người lương thiện được nữa Chí vẫn cất tiếng đòi lương thiện chỉ để khẳng định một điều duy nhất: Con quỷ dữ trong Chí không còn nữa, phần NGƯỜI trong Chí đã hoàn toàn trở về.
Bài liên quan
Nhà văn trẻ Lê Thanh Ngân: Đàn ông làm gì có ai sợ vợ
Nữ nhà văn xinh đẹp Lê Thanh Ngân mới đây đã có bài chia sẻ về “sợ vợ” được nhiều người quan tâm, bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chí Phèo đi hết một đời sống, chết đơn côi