“Chiếc áo thiên nga” từng được nhiều sân khấu khắp trong Nam ngoài Bắc thực hiện, làm sống dậy trong công chúng về một huyền sử đẹp.
Từ năm 2008, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã khiến vở diễn này trở nên nổi tiếng. Với kinh phí lên tới 2,5 tỉ đồng, gây ấn tượng mạnh về thị giác bởi sự hoành tráng, quy mô với hơn 100 diễn viên và kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: Opera, xiếc, múa…
So với huyền sử, kịch bản vở diễn của tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt thay đổi vài tình tiết. Như chiếc áo lông ngỗng nổi tiếng của nàng Mỵ Châu đổi bằng chiếc áo thiên nga sang trọng. Hay tấm lòng chung tình của chàng Trọng Thủy được khắc họa đậm nét hơn.
Không có cảnh Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần, hoặc cố tình khai thác bí mật quân sự từ người vợ ngây thơ. Chỉ có các cảnh hai người tự tình, thể hiện tình cảm luyến ái đậm đà của tình yêu đôi lứa.
10 năm sau, Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng lại “Chiếc áo thiên nga” mang màu sắc hoàn toàn mới để phù hợp với sân khấu truyền thống cải lương phía Bắc. Vở chỉ giữ cốt truyện và viết lại toàn bộ lời hát để phù hợp với diễn viên và từng nhân vật.
Sân khấu được thiết kế mang tính ước lệ với bục bệ xoay như hình tượng của thành Cổ Loa hình xoắn ốc. Và xuyên suốt vở diễn, hình ảnh lông thiên nga luôn hiện hữu. Những chiếc lông thiên nga được trang trí trên sân khấu, lúc mang lại không gian huyền ảo như giấc mơ, lúc lại hóa màu đen biểu tượng cho sự tan vỡ.
Sau buổi diễn này, tác giả Lê Duy Hạnh đã thốt lên, rất vui khi “đứa con tinh thần” của mình được khán giả Hà Nội nhiệt tình đón nhận. Dù rằng, cách nhìn về Mỵ Châu – Trọng Thuỷ không theo như truyền thống.
Có thể thấy “Chiếc áo thiên nga” là kịch bản từng được dàn dựng với nhiều phiên bản sân khấu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sân khấu hát bội thực hiện đầu tư dàn dựng. Bởi vậy, từ âm nhạc cho đến lời thoại phải được thay đổi, bớt tiếng Hán sao cho dễ nghe dễ hiểu. Đồng thời, việc thiết kế sân khấu cũng hoàn toàn mới mang ý nghĩa hoành tráng, chứ không bó hẹp quy mô như vở ca hát bội truyền thống.
Đại diện Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM cho biết, vở diễn sẽ dự thi Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc tổ chức tại Nghệ An vào cuối tháng 5 tới. Sau đó, “Chiếc áo thiên nga” sẽ đến với đông đảo học sinh - sinh viên, nhằm khơi gợi văn hoá truyền thống ở các bạn trẻ, về vẻ đẹp hát bội cũng như niềm tự hào lịch sử.
Mượn truyền thuyết xa xưa để chuyển tải thông điệp “viên đạn bọc đường” của thời bình, nguy hiểm gấp nghìn vạn lần lằn tên mũi đạn giữa thời chiến. Đồng thời, việc giữ nước không có chỗ cho sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Chính vì vậy, “Chiếc áo thiên nga” vẫn là kịch bản được nhiều loại hình nghệ thuật khai thác, thậm chí có đến 2 bản dựng cải lương khác nhau.