Chủ biên sách Tiếng Việt 1 khẳng định có dạy chữ P

Bích Diệp | 25/02/2022, 11:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không giới thiệu chứ “P” trong mục lục nhưng dành một bài học riêng lẻ.

Ông cho biết ở nhiều bài, học sinh luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,...(trang 78, 118, 120, 124... tập một). Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến sách tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở.

Về vấn đề là dạy âm P như thế nào, ông Hùng cho hay trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết, trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có dạy âm P cuối và dạy nhiều thông qua các bài dạy vần như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),...

Về việc dạy âm đầu P, ông Hùng cho rằng mỗi bộ sách có những cách khác nhau và đều phải đạt được mục tiêu học xong lớp 1, học sinh có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,... Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống áp dụng cách dạy âm đầu P trong bài dạy âm Ph.

Trước khi học âm Ph, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P. Đây đồng thời cũng là lựa chọn kế thừa cách dạy của sách giáo khoa tiếng Việt 1 năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm Ph thì học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó. Chẳng hạn, các em luyện đọc và viết từ đèn pin, luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc và trong bài đọc "Ruộng bậc thang ở Sa Pa", ông Hùng nói.

Những ý kiến xung quanh vấn đề chữ P

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Viện ngôn ngữ và văn hóa Phương Đông, P được coi là âm mượn từ châu Âu. Tuy nhiên đó là nhìn nhận với tính chất P là phụ âm đầu. Trong tạo âm tiếng Việt, P còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Âm P có mặt trong nhiều từ như tiếp nhận, chiêm chiếp,... Trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới, số lượng các từ có âm P từ nước ngoài vào Việt Nam không còn ít như trước mà ngày một tăng lên.

“Việc không dạy âm P trong Sách Tiếng Việt 1 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (NXB Giáo dục Việt Nam) là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình.”, PGS.TS Nguyễn Văn Đạt nói.

Theo ông Đạt, trong sách chỉ giới thiệu các từ có âm P là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu. Bởi lẽ, trong danh mục tên người và địa danh của các dân tộc thiểu số Việt Nam, âm P là một âm không hiếm gặp: Giàng A Páo, Sa Pa, Pắc Bó,..

Dù P là một âm mượn từ tiếng nước ngoài, nhưng thực tế nó đi vào tiếng Việt đã khá lâu. Nó tham gia vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt như một yếu tố không thể thiếu. Nói cách khác, “Âm P phải được quan tâm một cách bình đẳng với các âm khác khi dạy tiếng Việt cho học sinh”.

Theo nhà thơ Hữu Việt, những chữ cái chính là các kí tự ghi lại phát âm của tiếng Việt. Về vấn đề sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P riêng lẻ thì nhà thơ đồng tình với quan điểm của thầy hiệu trưởng Hoàng Quốc Vịnh.

“Đối với các từ thuần Việt chữ P phải ghép với chữ H tạo thành chữ Ph đã rất rõ trong từ điển. Tuy nhiên, trong đó cũng rất nhiều từ chữ P vì tiếng Việt có nhiều tiếng vay mượn của nước ngoài mà phổ biến đến mức nó như là tiếng Việt không thể thay thế, ví dụ là patê. Hay một số các tiếng của đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Tày bắt đầu bằng chữ P, ví dụ họ gọi cha mẹ là Pa. Hay cũng có những nhà thơ người dân tộc nổi tiếng như là nhà thơ Pờ Sảo Mìn, ai cũng biết. Nếu không có chữ P thì chúng ta không thể ghi lại tất cả những âm thanh, tiếng nói của đồng bào, dân tộc. Việc không dạy chữ P là một điều đáng tiếc" nhà thơ Hữu Việt đưa ra ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Nga, giáo viên dạy cấp 1 đã về hưu cho biết, khi bộ sách không dạy chữ P độc lập sẽ có ảnh hưởng tới các em học sinh nhưng không quá nhiều. Bà nói: “Dù sử dụng khá ít nhưng trong sách vẫn cần dạy chữ P chứ không nên bỏ qua. Nhiều từ về địa danh hay tên riêng gắn với chữ P không thể thay thế. Nếu dạy không kĩ học sinh sẽ khó nắm bắt và nhớ được cách đọc”.

Bài liên quan
Sách giáo khoa lớp 3 - 7 - 10: Chủ động tiếp cận, chuẩn bị tâm thế giảng dạy
Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Giáo viên chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sách này theo môn học mình phụ trách là công việc chuyên môn không thể thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ biên sách Tiếng Việt 1 khẳng định có dạy chữ P