Giúp trẻ làm quen với tiếng Việt của trẻ MN 5 tuổi Trường MN Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An khi chưa có dịch. Ảnh: TG |
Kiến nghị từ thực tế
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, xây dựng Bộ chuẩn phát triển mầm non năm tuổi là việc làm khó, nhưng không thể không làm. Việc xây dựng phải đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn hiện nay, thay đổi bộ chỉ số là cần thiết bám theo tính liên thông Chương trình GDMN và đầu ra của trẻ 5 tuổi, chuẩn của cả cấp học. Theo đó, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí liên quan đến xây dựng triển khai, đánh giá trẻ mầm non 5 tuổi phải rõ. Cần đánh giá đức, trí, thể, mỹ một cách toàn diện, quan hệ xã hội yêu cầu đối với trẻ em thế nào. Tiếp cận với các bộ luật đã ban hành, tích hợp, tính toán sao cho phù hợp. Đa dạng cách tiếp cận và kế thừa bộ chuẩn cũ, cùng sự đa dạng chăm sóc giáo dục trẻ.
Từ thực tế ở một cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, PGS.TS Trần Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhìn nhận: Bộ chuẩn học tập và phát triển trẻ em năm tuổi cần phải đạt được yêu cầu không chỉ như hướng dẫn cho sự phát triển tối ưu của trẻ em, mà còn là cơ sở vững chắc cho việc phát triển chương trình giáo dục dựa trên chương trình khung GDMN.
Từ đó, cải thiện và đánh giá các chương trình được cung cấp cho trẻ mầm non; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo; thiết kế các chương trình khác nhau cho cha mẹ, để giám sát quốc gia hoặc nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tầm quan trọng của GDMN.
Thực hiện văn bản này sẽ có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học tập ở trường tiểu học và cuộc sống sau này.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, ông Vũ Đức Thọ cho rằng: Bộ chuẩn học tập và phát triển trẻ em năm tuổi cần phải giúp người trực tiếp đứng lớp và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về tiềm năng và sự sẵn sàng của trẻ để phát triển và việc học đối với trẻ mầm non.
Việc tạo ra một môi trường giáo dục giàu cảm xúc xã hội phù hợp, môi trường vật chất và nội dung học tập phù hợp, kích thích học thông qua vui chơi, hoạt động thực hành trải nghiệm cùng với sự hỗ trợ hay hợp tác từ cha mẹ, các tổ chức xã hội và cộng đồng… sẽ là lực đẩy quan trọng để GDMN đạt được yêu cầu chất lượng trong bối cảnh mới.
Đặt kỳ vọng với Bộ chuẩn học tập và phát triển trẻ em năm tuổi mới, cô Nguyễn Thị Băng, Hiệu trưởng Trường MN Yên Ninh, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho hay: Những tiêu chuẩn mới cần được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến trẻ mầm non (cha mẹ hay người chăm sóc nuôi dưỡng/giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia GDMN).
Đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được tiếp cận bình đẳng với dịch vụ GDMN; khuyến khích và thúc đẩy các hình thức GDMN mang tính mở; khuyến khích sự tham gia của cha mẹ trẻ, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Chúng tôi kỳ vọng và mong đợi Bộ chuẩn đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ chất lượng trong các lĩnh vực phát triển khác nhau. Đặc biệt cần tập trung vào thiết kế để đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng nuôi dạy đảm bảo trẻ 5 tuổi có kỹ năng tốt nhất bước vào lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018.