Phối hợp, đồng hành đúng cách
Từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Duy Hải lưu ý các bậc cha mẹ: Lớp 1 là nền móng của tiểu học, hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em phải làm quen từng bước nền nếp học tập, quy định của cô giáo (tư thế ngồi học, viết, cách cầm bút...). Những kĩ năng này cần sự phối hợp giữa cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh cùng chơi, cùng học lúc ở nhà qua hình thức học tập trải nghiệm và tạo môi trường gia đình ấm áp bên cạnh môi trường giáo dục nhà trường thân thiện. Từ đó đem đến niềm vui học tập cho trẻ…
Một vấn đề đã được các chuyên gia giáo dục, giáo viên lớp 1 nói nhiều tới nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu và thực hiện tốt đó là cho con học trước chương trình.
Ông Hải khẳng định, về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 không tốt cho học sinh. Trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước, điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học biết chữ trước và học sinh chưa biết sẽ gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.
Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp. Như vậy cha mẹ không cần lo lắng chuyện học thêm. Hãy dành thời gian cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý tại nhà hoặc bố mẹ vừa cùng con ôn luyện vừa trò chuyện, chơi vui tạo cảm giác học tập nhẹ nhàng, thoải mái.
Ví như để tăng cường kỹ năng đọc cho các em, bố mẹ có thể mua những cuốn truyện phù hợp lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc, đồng thời hình thành thói quen đọc sách.
Tạo niềm vui cho trẻ trong học tập |
Cô Nguyễn Thị Lan Phương, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng khẳng định một trong những giải pháp giúp học sinh không sợ học, không áp lực với việc học là cha mẹ không được yêu cầu giáo viên giao thêm bài tập và ép con thực hiện quá nhiều nhiệm vụ học ở nhà.
Để trẻ đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội, càng không thể vì quá lo lắng mà ép trẻ học chữ trước. Cần để trẻ phát triển tự nhiên, tạo hứng thú học tập ngay từ khi vào lớp 1. Điều này quan trọng hơn cả để có thể hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ sau này.
“Đổi mới chương trình đi liền với đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Do vậy cha mẹ không nên hỏi: Hôm nay con được mấy điểm? Điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập của con, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời những tiến bộ dù nhỏ nhất và giải thích những băn khoăn kịp thời…”, ông Hải lưu ý.
Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào học lớp 1 vững vàng nhất, mỗi gia đình, cha mẹ cần mang tới cho con sự cảm nhận đi học là hạnh phúc, tự hào về ngôi trường, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì luôn có thầy cô yêu thương che chở. Đặc biệt, mỗi cha mẹ cũng hãy luôn tin tưởng và đồng hành với nhà trường, thầy cô để có thể phối hợp, đồng hành tốt nhất với trẻ.