Khi nói đến điểm số, điểm trung bình ngày càng tăng đã gây áp lực lớn hơn cho sinh viên. Hơn nữa, sự thiếu minh bạch trong cách chấm điểm có thể khiến sinh viên cảm thấy bị thiếu công bằng.
Tại trường Luật, hệ thống chấm điểm đạt/không đạt thường ít gây căng thẳng hơn. Tuy nhiên, trường lại không sử dụng hệ thống này để đánh giá. Thay vào đó, họ dùng một hệ thống khác phức tạp và rắc rối hơn, dựa trên các mức xuất sắc, giỏi, đạt, vừa đủ để đạt.
Bên cạnh đó, việc sinh viên không bao giờ nhận được phản hồi hay nhận xét về bất kỳ bài tập nào trước khi tham gia kỳ thi cuối kỳ là nguyên nhân chính gây căng thẳng quá mức.
Khối lượng công việc học tập và kỳ vọng thực tế cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của sinh viên.
Sinh viên luật năm thứ nhất được yêu cầu hoàn thành 18 tín chỉ trong học kỳ đầu tiên, trong khi đó, số tín chỉ được cho phép trong các học kỳ tiếp theo chỉ tối đa 16.
Ngoài ra, sinh viên có thể vấp phải một số hành động tiêu cực của giảng viên, khiến họ lo lắng và xấu hổ, dần dần trở thành nỗi sợ hãi. Byju cho rằng ở mức tối thiểu, nhà trường có thể cải thiện các chính sách học thuật hiện có.
Ví dụ như loại bỏ thời hạn nộp bài trong một số bài đọc, hoặc buộc giảng viên tuân theo các tiêu chuẩn cao hơn trong việc tôn trọng sức khỏe tinh thần của sinh viên.
Ngoài ra, thời gian nghỉ phép của Harvard cũng là một hạn chế. Theo báo cáo năm 2017 của Harvard Crimson, cứ 20 sinh viên thì có một sinh viên nghỉ học hàng năm.
Đối với những sinh viên đang giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, Harvard thường áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian nghỉ, quay lại trường và đăng ký lại các lớp học.
"Nó giống như "bản hợp đồng" thỏa thuận giữa nhà trường và sinh viên, trong đó, Harvard áp dụng các điều khoản không khoan nhượng và không thể thương lượng. Nói rộng hơn, sinh viên Harvard thường xuyên phải đối mặt với một bộ máy hà khắc, thiếu linh hoạt", Byju viết.
Nam sinh cho rằng Harvard cần quan tâm hơn đến phúc lợi của sinh viên bằng cách xem xét nghiêm túc việc xử lý trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần.
"Bằng cách phớt lờ trách nhiệm của tổ chức trong việc giải quyết các nguyên nhân mang tính hệ thống, Harvard đã gửi đi thông điệp nguy hiểm rằng 'Môi trường Harvard được định sẵn là khiến sinh viên không hài lòng, nhà trường giải quyết bằng cách phát triển các cơ chế đối phó với từng cá nhân'", Byju nhận định.
Byju cũng lo ngại trong tương lai, nếu các giải pháp của trường thất bại, Harvard sẽ đổ lỗi cho sinh viên.
"Điều này hoàn toàn không thỏa đáng và sinh viên xứng đáng được đối xử tốt hơn", Byju viết.